Nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công vẫn là khâu tổ chức thực hiện

(PLVN) – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2, nhấn mạnh trong buổi làm việc chiều này (8/12) với 8 cơ quan Trung ương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 đã làm việc với 8 cơ quan Trung ương về đầu tư công. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 đã làm việc với 8 cơ quan Trung ương về đầu tư công. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) phân tích rõ hơn nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, cần phải giải quyết sớm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 30/11/2021, tổng số vốn của của các bộ, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra được phân bổ năm trong năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng, đến nay số vốn đã giải ngân là trên 1.500 tỷ đồng, đạt khoảng 50,39%.

Trong số này, Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất (70,51%); 2 cơ quan giải ngân trên 50%; 3 cơ quan trên 40%; 1 cơ quan đạt 36,46% và thấp nhất đạt 23,53%.

Các đơn vị cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Đồng thời cũng kiến nghị một số nội dung về: Kéo dài thời gian giải ngân; có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng giá đột biến một số loại vật liệu xây dựng, nhân công; sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp…

Tổng hợp các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng nêu rõ: Qua báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến của các đơn vị, có thể nói vốn cho các đơn vị không lớn, dự án không nhiều (khoảng 3.000 tỷ đồng, đã giải ngân trên 50%), đây là mức thấp hơn so với bình quân chung của các bộ ngành cơ quan Trung ương và bình quân của cả nước là mức thấp, trừ Đài Tiếng nói Việt Nam đạt trên 70%.

Giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, lý do, đại diện các cơ quan đã chỉ ra là: Do tác động của dịch COVID-19, nhiều địa phương giãn cách trong thời gian dài, một số bộ, ngành có đơn vị trực thuộc tổ chức theo ngành dọc, dự án trong vùng cách ly y tế sẽ bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân khách quan và là nguyên nhân lớn nhất.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Mặt khác, năm nay (2021) là năm đầu nhiệm kỳ, theo quy định phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 nên việc phê duyệt bị ảnh hưởng; do đặc thù, hệ thống tổ chức của một số bộ ngành trải dài trên cả nước, ví dụ như Viện KSND Tối cao, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), trong quá trình triển khai xây dựng, các đơn vị trực thuộc ở xa Trung ương, cán bộ không quen việc quản lý các dự án đầu tư nên tiến độ bị ảnh hưởng; một số quy định của pháp luật chưa thực sự hợp lý, dẫn đến vướng mắc trong giải ngân.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện nên phải khẩn trương khắc phục trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bài bản trong từng khâu, từng hạng mục để đến lúc có vốn sẽ triển khai được ngay.

Nhấn mạnh thời gian không còn nhiều, đất nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan cố gắng nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, rà soát lại từng dự án để có giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm thực hiện giải ngân đạt kết quả cao nhất có thể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH./.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu củng cố, kiện toàn năng lực Ban Quản lý các dự án, đơn vị chủ quản đầu tư theo hướng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ách tắc trong triển khai những dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan Trung ương cần tập trung vào những đề xuất, giải pháp cụ thể, trong đó, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam… trong năm 2022.

Đọc thêm