Gương sáng Pháp luật

Nguyễn Trần Thụy Quyên - Luật sư đồng hành cùng người “người yếu thế”

(PLVN) - Hành nghề luật sư tròn 16 năm, cũng là từng ấy năm luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên thực hiện trợ giúp pháp lý cho người yếu thế. Với luật sư, khách hàng yêu cầu hay trợ giúp pháp lý, chỉ định bào chữa hay miễn phí cho người có khó khăn không đủ khả năng trả phí cho luật sư, tất cả đều tận tâm, tận lực, chia sẻ.
Nguyễn Trần Thụy Quyên - Luật sư đồng hành cùng người “người yếu thế”

Cách đây đúng 20 năm, cô sinh viên Nguyễn Trần Thụy Quyên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có một quyết định quan trọng, mà cho đến tận bây giờ Quyên vẫn cho là đi đúng hướng, đúng nghiệp đó là đăng ký vào lớp đào tạo hành nghề luật sư của Học viện Tư pháp – Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Duyên nghề

Sau khi hoàn thành khóa học, có chứng chỉ tốt nghiệp, Thụy Quyên đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư Kiên Giang để được gần gũi cha mẹ, anh em trong gia đình. Thời điểm bấy giờ, mới vào nghề nhưng đã được gọi là luật sư, nhưng là luật sư tập sự, Thụy Quyên cũng không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng.

Ngày ấy, được sống trong môi trường hành nghề thật sự, có điều kiện trưởng thành từ trải nghiệm thực tế… luật sư Thụy Quyên nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề, anh em đồng nghiệp đi trước đã tận tình hướng dẫn, dạy bảo những nền tảng căn bản, tố chất cần có của một luật sư. Lúc đó tập sự luật sư “chuyên nghiệp” hơn bây giờ, cụ thể: thời gian tập sự 24 tháng, thay vì 12 tháng; luật sư tập sự ngoài thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án còn được tham gia làm việc với khách hàng, được tranh tụng ở Tòa án cấp huyện, được thực hiện tất cả các kỹ năng và phạm vi hành nghề theo sự hướng dẫn của luật sư.

Vậy nên, khi sau này trở thành một luật sư thực thụ, Thụy Quyên đã tận tâm, tận lực đào tạo các học trò vào nghề như một sự tri ân, nối tiếp truyền thống đạo đức của nghề luật sư “người đi trước rước người đi sau”; vận dụng tối đa quy định được phép để khắc phục phần nào sự chưa “chuyên nghiệp” trong quy định hiện hành với người tập sự hành nghề luật sư mà mình đang đảm nhiệm.

Chính thức hành nghề luật sư từ năm 2006, đến nay đã tròn 16 năm. Thâm niên mà nói, 16 năm hành nghề cũng chưa phải là nhiều so với luật sư kỳ cựu, nhưng đã là quá đủ để thị trường dịch vụ pháp lý đánh giá, anh em đồng nghiệp chấm điểm cho thương hiệu luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên - người hiện là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Kiên Giang.

“Có điều kiện trải nghiệm rất nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, những vụ việc đại diện theo ủy quyền, đối với tôi đều để lại những bài học, kinh nghiệm có được cơ hội trưởng thành, và tôi ngày càng thấm thía hơn sứ mệnh cao quý của nghề luật sư", luật sư Thụy Quyên chia sẻ. Chị nói tiếp: "Với tôi, không chỉ là cung cấp dịch vụ pháp lý, mà còn phải chia sẻ được tâm trạng, hoàn cảnh của người mà mình bảo vệ, nhất là những người yếu thế, có khi là người ở “tận đáy của xã hội” để mình có thêm bản lĩnh vượt qua chông gai, trở ngại trên hành trình tiếp cận công lý, đảm bảo công bằng xã hội, tình yêu thương con người”.

Tuổi nghề bao nhiêu, cũng là chừng ấy năm luật sư Thụy Quyên cộng tác với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, đồng hành cùng người được trợ giúp pháp lý, “góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên trong một lần tư vấn cho khách hàng
Luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên trong một lần tư vấn cho khách hàng

Song hành với người yếu thế

Còn nhớ vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” cách nay đã 15 năm, khi luật sư Thụy Quyên mới chỉ một tuổi nghề tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông LTP, người thuộc hộ nghèo có phần đất hương hỏa ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Trên đất có 02 ngôi mộ của cha mẹ ông P, nhưng chính quyền lại cấp sổ đỏ cho ông C. Tuy diện tích rõ ràng đã bị ông C lấn chiếm, hợp thức hóa nhưng ông P vẫn bị cấp tòa sơ thẩm bác đơn, đến tòa phúc thẩm công lý mới được sáng tỏ, 02 ngôi mộ của cha mẹ ông P đã không phải ở nhờ trên phần đất của mình.

Không có sự phân biệt nào giữa khách hàng là đại gia hay người nghèo, án chỉ định hay vụ việc trợ giúp pháp lý, luật sư Thụy Quyên đều tận tâm làm hết trách nhiệm của mình, coi vụ việc của họ như vụ việc của chính người thân trong gia đình. Cũng mới đây thôi, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phân công chị bảo vệ cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong một vụ án dân sự, mà quyền và lợi ích hợp pháp được tòa công nhận, quyền sử dụng đất là di sản thừa kế và chia thừa kế.

Vụ việc là của hai anh em H và C ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh thì được cô ruột cưu mang, còn em thì bị khuyết tật thần kinh từ nhỏ nên được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh để nuôi dưỡng. Thế nhưng, người bác lại đang tâm chiếm diện tích đất 10.611,3 m2 của cha mẹ của các em để lại, nên mới có vụ cháu kiện bác ra tòa.

Cũng như trường hợp của ông P, luật sư Thụy Quyên đã không quản ngại đường xa, đi lại khó khăn đến tận nơi xác minh thực tế; kết hợp với nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu, xây dựng quan điểm bảo vệ trong tranh tụng...Vậy nên, trong những năm qua, luật sư Thụy Quyên đã có hàng trăm vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng, thành công hiệu quả được thực hiện cũng không có gì là bất ngờ.

Trong quá trình hành nghề, có thể khác biệt quan điểm, quyền lợi khách hàng đối lập nhau, thậm chí có những áp lực, đe dọa nhưng chưa bao giờ làm cho luật sư Thụy Quyên nhụt chí. Càng vụ việc khó khăn, phức tạp thì lại càng có thêm quyết tâm; càng đối tượng yếu thế thì càng tận tâm, chia sẻ,…cộng với nguyên tắc không phân biệt tư cách tham gia tố tụng trong các vụ án, vụ việc (khách hàng yêu cầu/trợ giúp pháp lý/chỉ định bào chữa/miễn phí cho người có khó khăn không đủ khả năng trả phí cho luật sư) đã ít nhiều làm nên điều khác biệt, tố chất của chị.

Thông thường diễn biến tâm lý mà nói, người đối nghịch trong một vụ án bị thua không mấy thiện cảm với luật sư ở phía bên kia. Nhưng với Thụy Quyên, đã có vụ mà chính người bị thua ở phía bên kia trong vụ án trước lại trở thành khách hàng được bảo vệ trong một vụ án sau đó. Qua đây cho thấy sự tận tâm, chuyên nghiệp, uy tín,…của một văn phòng luật sư thương hiệu, luôn luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.

Còn một phần thưởng khác lớn lao hơn, đó là sự công bằng được bảo vệ; là những mảnh đời lầm lỗi được thức tỉnh, giảm nhẹ hình phạt; là những bức thư tay chứa chất tình cảm như trường hợp ông LTP “…gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo, không biết lấy chi đền đáp, chỉ có lòng chân thành tri ân mãi mãi khắc sâu trong lòng suốt cả đời tôi…” để là động lực cho luật sư Thụy Quyên đồng hành cùng người “người yếu thế” tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật trong những chặng đường tiếp theo.

Ghi nhận thành tích những năm qua, luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam tặng 07 Bằng khen vì đã có thành tích trong xây dựng Đoàn Luật sư và hoạt động hành nghề luật sư; chuẩn bị sơ kết 05 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (06/9/1997 – 06/9/2022), Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho một số tập thể và cá nhân, trong đó đứng đầu danh sách là luật sư Nguyễn Trần Thụy Quyên.

Đọc thêm