Nhà băng “chạy đua” tăng giá trị thanh khoản

(PLVN) - Hàng loạt doanh nghiệp khó khăn và số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động , do tác động tiêu cực từ dịch Covid - 19 cũng đã đẩy cho tỷ lệ thanh khoản tại hệ thống nhà băng diễn ra chậm chạp và đáng báo động,
Nhà băng “chạy đua” tăng giá trị thanh khoản

"Đòn bẩy" của nền kinh tế

Trong báo cáo nghiên cứu của Thạc sĩ Tăng Mỹ Sang – giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (TP.HCM) - vừa công bố mới đây về đo lường tác động của giá trị thanh khoản ngân hàng vào nền kinh tế giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018 của ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, đã đưa ra kết luận: “Tác động của quản trị thanh khoản của doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung, chính là kết quả khả năng thanh khoản tăng hay giảm của NHTM Việt Nam”.

Không phải tự nhiên mà có những quốc gia, nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề sẽ kéo theo đó là việc khủng hoảng về kinh tế. Vì thế, chuyên gia kinh tế - Nguyễn Trí Thành cũng đã từng cho rằng, “Hệ thống ngân hàng chính là “địa chỉ đỏ” trong việc thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng”.

Thực tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là những cá nhân nhỏ lẻ luôn gắn chặt chẽ với hệ thống ngân hàng: từ giao dịch, chuyển khoản đến việc vay vốn, giải ngân trong hệ thống của một ngân hàng và ngay cả liên ngân hàng. Do vậy, một khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tắc nghẽn, đồng nghĩa với việc thanh khoản tại hệ thống các ngân hàng cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Chúng ta có thể thấy rõ vấn đề này khi nhìn vào tác động tiêu cực của dịch Covdi -19 từ đầu năm đến nay: Người dân thắt chặt chi tiêu, hoạt động kinh doanh - đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn, đã khiến cho nhu cầu giải ngân, vay tại các nhà băng sụt giảm nghiêm trọng.

Nhận định từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thanh khoản đầu ra của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu lượng dư thừa lớn. Cũng theo VDSC, trong tuần đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bơm ra 988 tỷ đồng thông qua việc chào mua giấy tờ có giá.

VDSC cũng cho rằng, thanh khoản dư thừa của ngân hàng sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt quý III và có thể sang cả Quý IV, nên NHNN cần sử dụng nhiều biện pháp để có thể giúp các ngân hàng tăng tính thanh khoản để cho vay, từ đó làm đòn bẩy góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Giảm rủi ro, tăng giá trị thanh khoản

Số liệu công bố của FiinGroup dựa trên báo cáo tài chính Quý II/2020 của 19 ngân hàng niêm yết, cho thấy giá trị thanh khoản hạn cho vay khách hàng của nhóm ngân hàng này tính đến cuối Quý II/2020 chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (9,2% năm 2018, 8,2% năm 2019).

Lý do là nhiều ngân hàng khó khăn trong việc thúc đẩy cho vay mới. Những khoản cho vay cũ lại đang châm thanh khoản. Đơn cử chỉ riêng đối với ngành dịch vụ, trong quý II/2020, đã ghi nhận mức tăng trưởng bị sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ (từ mức tăng 3,3% được ghi nhận trong quý I/2020) do tất cả các hoạt động dịch vụ đều giảm mạnh trong tháng 4/2020.

Vị sếp của một ngân hàng cũng không ngần ngại chia sẻ, lợi nhuận mặc dù vẫn dương, nhưng nợ xấu tăng là điều đáng lo ngại. Vị này cho biết, bởi tác động của dịch Covid-19, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề gặp khó, đã đẩy khả năng trả nợ của doanh nghiệp hầu như “đóng băng”.

“Điều này sẽ gia tăng rủi ro lớn cho phía ngân hàng, nên mặc dù được quản lý giám sát bởi NHNN nhưng rõ ràng bản chất ngân hàng cũng chính là doanh nghiệp kinh doanh. Trong khi đó, việc cung ứng vốn ra thị trường của các ngân hàng đã cạn room tín dụng nên không còn ồ ạt như trước kia, mà chủ yếu dành vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.. và hạn chế cho vay lĩnh vực BĐS, BOT”, vị này nêu.

Do vậy, nhằm giảm rủi ro, tăng giá trị thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN - đã công bố tại cuộc họp thường kỳ của NHNN vào giữa tháng 6 vừa qua, về một số biện pháp áp dụng trong điều hành của NHNN, bao gồm: Điều hành nghiệp vụ thị trường mở; Điều tiết thanh khoản hợp lý; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.

Về nợ xấu, NHNN tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ - TTg; Nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các TCTD giai đoạn 2021 - 2025; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Đọc thêm