Nhà báo “nhân văn”

(PLVN) - Giữa những biến động của thời cuộc, những người làm báo đã và đang viết nên những nốt nhạc đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người.

Để rồi, những thanh âm trong trẻo ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện, tạo nên hiệu ứng tích cực với xã hội, tạo ra được sự thay đổi với nhiều số phận con người, nhiều vùng đất... Đó chính là điều tốt đẹp mà người làm báo “nhận” được khi làm những “chuyện tử tế”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Đây vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời cũng là chiến lược của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu với việc mở nhiều chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp, đồng thời có nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn. Điều đó đã tạo hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất, đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng. Không ít nhà báo đã âm thầm nỗ lực làm việc thiện đằng sau con chữ, chung tay, góp sức làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

Nhắc đến đây, chúng ta lại nhớ đến nhà báo Trần Mai Anh, người phụ nữ nổi tiếng với câu nói: “Cổ tích sinh ra từ lòng người”. Một nhà báo đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, nổi bật là “Hành trình Thiện Nhân” để lại nhiều xúc động sâu sắc và được Chủ tịch nước gửi Thư khen ngợi và là Công dân Ưu tú Thủ đô.

Cũng có thể kể đến nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên, nổi tiếng với vai trò dẫn chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chị đã tạo nhiều ấn tượng với khán giả bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, mang lại cho người xem những cảm xúc rất thật, rất sâu lắng. Trong suốt 15 năm qua, chương trình này đã tìm ra và tổ chức đoàn tụ cho hơn 1.800 trường hợp.

Bày tỏ sự cảm phục với những tấm lòng và việc làm cao cả của các nhà báo trong thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: Không chỉ có những bài viết phản ánh, ca ngợi tôn vinh những câu chuyện nhân văn, tử tế trong xã hội, các nhà báo còn trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, góp phần tuyên truyền và lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn trong xã hội. Việc làm thiện nguyện của các nhà báo đã góp phần làm cho hình ảnh người làm báo Việt Nam trở nên đẹp hơn trong xã hội. Bằng tinh thần ấy, những người làm báo đã và đang lan tỏa những giá trị nhân văn đến với người đọc, đến với xã hội.

Hiện nay báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại công nghệ 4.0, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Trong đó, mỗi nhà báo luôn phải xác định nhiệm vụ chính trị của mình là góp phần bảo đảm công bằng, phát triển và tiến bộ xã hội; bảo vệ lợi ích chính đáng và đấu tranh vì hạnh phúc của đông đảo nhân dân cũng như lợi ích của đất nước. Xét cho cùng, tính nhân văn là mục đích cao cả của hoạt động báo chí, truyền thông.

Đọc thêm