Nhà khoa học được tạo hình trên búp bê Barbie

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, một nhà khoa học nữ đã được tôn vinh một cách rất độc đáo là được tạo hình một mẫu búp bê Barbie riêng theo hình dáng của chính bà. Đó là Giáo sư Sarah Gilbert – nhà khoa học nữ đã từ bỏ sáng chế độc quyền vaccine AstraZeneca để giúp các nước nghèo có thể tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19.
Giáo sư Sarah Gilbert từ bỏ bằng sáng chế vaccine Astra Zeneca để giảm giá thành.
Giáo sư Sarah Gilbert từ bỏ bằng sáng chế vaccine Astra Zeneca để giảm giá thành.

Nhà khoa học có tấm lòng nhân hậu

Giữa những tranh luận gay gắt về vấn đề độc quyền các loại vaccine thì câu chuyện về vaccine AstraZeneca giá rẻ lại khiến toàn thế giới cảm động. Đứng sau thành công của vaccine AstraZeneca là nỗ lực của rất nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu Viện Jenner, Đại học Oxford. Trong đó, Giáo sư Sarah Gilbert (58 tuổi) là một trong số các nữ nhà khoa học được tờ BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu năm 2020 vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Mặt khác, đại diện Công ty đồ chơi Mattel, nhà sản xuất các dòng sản phẩm búp bê Barbie ghi nhận đóng góp, sự hy sinh và cống hiến của tất cả nhân viên trên tuyến đầu chống dịch bằng một cách đặc biệt - truyền tải lại câu chuyện của họ thông qua những mẫu búp bê Barbie, trong đó có mẫu búp bê từ nguồn cảm hứng là Giáo sư Sarah Gilbert. Nữ nhà khoa học cho biết, bản thân bà cảm thấy hơi lạ lùng khi là hình mẫu của một loại búp bê; tuy nhiên, bà hy vọng mẫu búp bê này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các bé gái trên toàn thế giới theo đuổi đam mê các ngành STEM (ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán). Nguyên văn lời của nữ Giáo sư: “Niềm đam mê của tôi chính là giúp khơi dậy niềm cảm hứng theo đuổi những ngành STEM của các bé gái trên toàn cầu. Tôi mong khi các em nhìn thấy phiên bản búp bê theo hình tượng của tôi sẽ tìm được niềm đam mê với ngành mà mình chưa từng biết tới, như trở thành một nhà nghiên cứu vắc xin”.

Hầu hết những người bạn và đồng nghiệp mô tả Giáo sư Gilbert là một người tận tâm, trầm lặng, cương quyết và “thực sự gan góc”. Nhiều tờ báo cũng gọi bà là “nhà khoa học có tấm lòng nhân hậu”. Trong chương trình “The Life Scientific” của đài BBC Radio 4's đầu năm nay, Giáo sư Sarah Gilbert đã chia sẻ: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã coi đây là một cuộc chạy đua chống lại virus, chứ không phải cuộc tranh đua giữa các nhà phát triển vaccine. Là một trường đại học, chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền”.

Năm 2014, bà Gilbert cũng là người dẫn đầu cuộc thử nghiệm vaccine Ebola đầu tiên và khi virus MERS - hội chứng hô hấp Trung Đông tấn công, bà đã đến Ả Rập Xê Út để cố gắng phát triển một loại vaccine cho dạng virus được coi là có nhiều nét tương đồng với virus Sars-CoV-2. Chính vì thế, đầu năm 2020 khi COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Giáo sư Gilbert đã nhanh chóng nhận ra có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự để điều chế vaccine ngừa căn bệnh này. Trải qua nhiều khó khăn, Giáo sư Gilbert và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm đã rất khẩn trương từ những giai đoạn đầu tiên để “chạy đua” cùng với tốc độ “hành quân tử thần” của căn bệnh COVID-19 trên khắp thế giới. Điều này đồng nghĩa, một ngày phải ngủ dưới 4 tiếng, làm việc liên tục trong sự căng thẳng và mệt mỏi trong thời gian dài.

Vaccine AstraZeneca giá rẻ giúp các nước nghèo dễ tiếp cận.

Vaccine AstraZeneca giá rẻ giúp các nước nghèo dễ tiếp cận.

Sau cùng, nhóm của Oxford đã thành công chế tạo ra những lô vaccine đầu tiên trong phòng thí nghiệm và đạt được một thỏa thuận lớn với nhà sản xuất dược phẩm Astra Zeneca – hãng sẽ sản xuất và phân phối vaccine với cam kết phi lợi nhuận. Tức là, theo thỏa thuận nhân đạo với Oxford, AstraZeneca sẽ bán vaccine này với giá gốc không lợi nhuận trong thời gian đại dịch và giữ nguyên giá ưu đãi này với các quốc gia thu nhập trung bình và thấp.

Tờ The Star Malaysia dẫn lời bà Gilbert: “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine.. Hãy thử tưởng tượng một quốc gia nghèo sẽ gặp khó khăn thế nào khi có ý định tiêm cho hàng triệu người với vaccine đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ siêu thấp và giá thành cao gấp 10 lần? Nếu thành công, vaccine của Oxford sẽ là cứu tinh cho các quốc gia nghèo”.

Hệ lụy của việc độc quyền vaccine

Giải thích sâu hơn về câu chuyện giá cả chênh lệch giữa các loại vaccine là vấn đề về độc quyền sản xuất vaccine. Vào cuối tháng 7, trên trang thông tin chính thức của Ủy ban Oxford cho cứu trợ nạn đói OXFAM (trụ sở tại Anh) đã trích dẫn một khảo sát của Liên minh Vaccine Toàn Dân (The People’s Vaccine Alliance) cho thấy, việc các công ty dược phẩm độc quyền về vaccine để thu siêu lợi nhuận, khiến chi phí tiêm chủng ngừa COVID-19 trên thế giới đắt hơn ít nhất 5 lần so với giá vốn ước tính. Do vậy, không quá bất ngờ khi đến nay 90% số vaccine Pfizer và Moderna được bán cho các quốc gia giàu có – các chính phủ có thể trả giá cao gấp 24 lần. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, các loại vaccine dựa trên mRNA như Pfizer và Moderna có thể sản xuất với giá chỉ khoảng 1,20 USD/liều.

Nhiều tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ như Liên minh Châu Phi (AU), OXFAM, UNAIDS… cho biết một số nước giàu không ủng hộ việc loại bỏ độc quyền và giảm giá thành vaccine, điều này góp phần trực tiếp vào tình trạng khan hiếm vaccine ở các quốc gia nghèo hơn. Cụ thể, việc từ bỏ độc quyền đã được hơn 100 quốc gia ủng hộ, bao gồm cả Mỹ, Pháp và đã được đưa ra đàm phán chính thức trên diễn đàn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tháng 7, nhưng đề xuất này đã bị Đức, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) nhiều lần ngăn cản.

Ngay cả COVAX – chương trình Tiếp cận Toàn cầu vaccine COVID-19 cũng phải trả trung bình gấp 5 lần so với giá thành sản xuất tiềm năng. Chương trình COVAX cũng đang phải “vật lộn” để thu gom đủ liều lượng, “chạy đua” cùng với tốc độ biến chuyển của dịch bệnh vì nguồn cung luôn không đủ. Đáng lẽ, nếu không có độc quyền để hạn chế nguồn cung và tăng giá, số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể mua đủ liều tiêm chủng đầy đủ cho mọi người ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, theo Liên minh Vaccine Toàn Dân. Tuy nhiên, đến nay, COVAX ước tính sẽ chỉ đạt được 23% vào cuối năm 2021.

Maaza Seyoum, một người làm việc trong Liên minh người châu Phi và Liên minh VaccineToàn Dân châu Phi cho biết: “Việc tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển sản xuất vaccine là cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để tăng nguồn cung và giảm giá thành đáng kể. Khi điều này được thực hiện để điều trị HIV, chúng tôi đã thấy giá thành giảm tới 99%. Chừng nào các tập đoàn dược phẩm vẫn giữ độc quyền công nghệ cứu mạng người này, họ sẽ luôn ưu tiên các hợp đồng tối ưu lợi nhuận nhất, khiến các nước đang phát triển phải chịu cảnh “lạnh giá””.

Chưa đến 1% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm vaccine, trong khi lợi nhuận thu về từ vaccine đã khiến các nhà điều hành của nhiều công ty dược phẩm trở thành tỷ phú. Theo phân tích của WHO, trước đại dịch, các nước đang phát triển đã trả mức giá trung bình là 0,80 USD/liều cho tất cả các loại vaccine khác ngoài vaccine ngừa COVID-19. Nếu chỉ so sánh về giá thành thì loại vaccine COVID-19 rẻ nhất hiện nay là AstraZeneca cũng có giá gấp 4 lần mức giá nêu trên, vaccine của Johnson & Johnson gấp 13 lần và các loại vaccine đắt tiền nhất như Pfizer, Moderna, Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, cao hơn tới 50 lần. Đơn cử, khi BioNTech báo giá thấp nhất của họ cho Liên minh Châu Phi là 6,75 USD/liều thì so với mức thu nhập bình quân đầu người ở Urganda, một liều vaccine này có giá tương đương với chi phí chăm sóc sức khỏe trung bình cả năm của mỗi người dân.

Chưa kể, sự leo thang “kịch tính” về giá cả vaccine được dự đoán sẽ tiếp diễn khi các chính phủ không hành động hoặc không có khả năng ngăn cản các đợt tăng giá trong thời gian tới. Mới đây, Giám đốc điều hành của Pfizer đã đề xuất giá tiềm năng trong tương lai là 175 USD/liều, tức gấp khoảng 148 lần so với chi phí sản xuất ước tính. Với mức giá như vậy, hy vọng tiếp cận được với các loại vaccine này của các nước nghèo gần như… viển vông.

Sở dĩ AstraZeneca có giá thành rẻ hơn hai loại vaccin Pfizer và Moderna bởi nhiều yếu tố. Trong đó kể tới, sản phẩm của AstraZeneca có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở 2-8 độ C trong vòng sáu tháng chứ không phải trữ đông ở nhiệt độ cực thấp, như hai dòng vaccin dựa trên mRNA là Pfizer và Moderna. Điều này giúp cho vaccin AstraZeneca có thể được phân phối với giá rất rẻ, có thể được tiếp cận rộng rãi, công bằng và kịp thời trên toàn cầu. Kể từ cuối năm 2020 đến tháng 7/2021, vaccin AstraZeneca đã được 119 quốc gia công nhận, trở thành loại vaccin ngừa COVID-19 phổ biến nhất trên thế giới, theo tờ Economist (Mỹ). Hãng cũng cho biết sẽ sản xuất 3 tỷ liều cho thế giới vào năm 2021.