Nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không?

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.

Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, ngày 29/8, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan đến xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (KCN), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN như quy định của Dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào KCN để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong KCN.

Góp ý nội dung này, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú cho công nhân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, ĐB Mạnh đề nghị, không quy định mô hình này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; đồng thời không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.

Thống nhất với báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN như quy định của Dự thảo Luật do Chính phủ trình. ĐB cho rằng việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN”; đồng thời, giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân KCN.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận về Dự án Luật Nhà ở sửa đổi. (Ảnh: Quochoi.vn)

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) lại đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. ĐB cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại KCN thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong KCN thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong KCN thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Nếu không cho con cái ở cùng, có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?...

ĐB Thủy cũng đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong KCN mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài KCN không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong KCN lại có cả hai lựa chọn này.

Đọc thêm