Bà Hà Thị Nga (46 tuổi, mẹ hung thủ và cũng là vợ nạn nhân) khắc khổ, gầy guộc, ngồi bó gối trên chiếc giường cũ đã phát ra những tiếng cót két vì mối mọt. Người phụ nữ đưa hai cánh tay khẳng khiu ôm lấy đứa cháu nội hơn 2 tuổi đang chơi đùa vào lòng, nghẹn ngào cho biết đứa trẻ vẫn chưa hiểu chuyện, không biết gì về bi kịch gia đình.
Án mạng trong cơn phê ma túy
Dựa tấm lưng tôm vào vách tường trơ vôi vữa, gương mặt người phụ nữ chợt nhăn nhúm như bị một tảng đá lớn đè nặng lên người. Bà đau đớn hồi ức: Tối 9/11/2015, bà đang cho cháu nội uống sữa thì người chồng “chân nam đá chân chiêu” về nhà.
Mỗi lúc say xỉn, chồng bà thường chửi vợ đánh con, bất cứ thứ gì tiện tay cũng đập phá. Đứa cháu nội lúc đó mới hơn một tuổi vì quá sợ hãi nên òa lên khóc, liền bị ông đánh nên càng khóc lớn hơn. Bà Nga cũng bị chồng chửi và đuổi đánh.
Đúng lúc đó, con trai ông bà là Huỳnh Thanh Nam (SN 1993) đi nhậu cùng bạn vừa về đến nhà. Thấy con trai bé bị cha đánh, Nam chỉ lẳng lặng bế con rồi đi vào trong buồng.
Biết Nam cũng đã có hơi men nên người mẹ ôm lấy cháu nội bế ra đường để dỗ dành cháu uống nốt chỗ sữa còn lại và con trai được yên tĩnh nghỉ ngơi. Bà run lẩy bẩy thuật lại: “Khi tui bế cháu ra đường, bên trong nhà ổng vẫn chửi và đập phá đồ đạc.
Một lúc sau, tui nghe tiếng Nam nó hét lên một tiếng rồi tiếng la hét của ổng. Tui hốt hoảng chạy về thì thấy ổng nằm gục, còn Nam hoảng loạn chạy ra. Tui sợ hãi quá quỳ sụp xuống, phải nhờ đến những người hàng xóm đưa ổng đi cấp cứu, nhưng hai ngày sau ổng qua đời vì không thể cầm được máu”.
Khi người cha qua đời cũng là lúc Nam bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Nam khai bản thân nghiện ma túy, trong lúc trở vào phòng “chơi hàng” thì bị người cha phát hiện. Bị cha chửi và đấm nhiều lần vào đầu, đá vào lưng, Nam chống trả. Trong cơn “phê” ma túy, đứa con đã vớ phải cây kéo gần đó và gây nên án mạng đau lòng.
Quá trình điều tra, Nam luôn thành khẩn khai nhận tội lỗi và tỏ ra ân hận, ăn năn. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nam chỉ còn biết cầu mong sự khoan hồng của pháp luật, xin được có ngày trở về để nuôi con nhỏ. Tuy nhiên HĐXX đã tuyên Nam mức án tử hình.
Bà Nga hai mắt đẫm lệ kể: “Lúc tòa tuyên án, nó đứng trước mặt tui, đầu cúi xuống rồi chợt run run như khụy xuống. Tui nghe con bị tuyên án tử cũng đứt từng khúc ruột. Chạy theo con ra đến xe tù, hai chân tui không đứng vững được nữa. Nam quay lại nhìn tui cũng nước mắt nhạt nhòa”.
Đến ngày mở tòa phúc thẩm, một lần nữa HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, cần phải loại bỏ ra khỏi xã hội nên vẫn tuyên y án sơ thẩm. Bị cáo Nam chỉ biết nhìn mẹ run rẩy, không nói được lời nào.
“Nghèo rơi nghèo rớt” lại nghiện rượu, nghiện ma túy
Bà Nga kể, từ khi con bị bắt đến giờ, bà chỉ gặp con được vài lần. Lần gần đây nhất là cùng ngày sau khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Bà kể trong nước mắt: “Sáng đó theo giấy triệu tập, tui ôm cháu đến dự tòa vì ở nhà không nhờ được ai trông hộ.
Tòa xử xong, nó bị đưa lại xe, còn bà cháu tui ngồi ở ghế đá đến chiều rồi lại bắt xe đến nhà tạm giam Chí Hòa (quận 10). Mãi đến chiều tối mới xong mọi thủ tục, bà cháu tui được thăm nó 30 phút. Vừa gặp là nước mắt nó đã rớt lã chã.
Nó ân hận nói: “Mẹ ơi con bị tử hình rồi. Đời này con không được báo hiếu mẹ nữa, con trai của con đành nhờ hết vào mẹ. Nó lớn lên mẹ dặn nó phải biết hiếu thảo, phải trở thành người tốt...”. Tui nghe mà đau đớn như khúc ruột mình đang bị cắt ra. Con nó còn quá nhỏ, chưa biết gì nên chỉ ngồi bi bô gọi cha, lòng tui càng đau như cắt”.
Kể về hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ ngậm ngùi. Vợ chồng bà lấy nhau cách đây 23 năm. Chồng bà là con thứ 5 trong 8 người con, còn bà cũng đông chị em không kém. Cả hai bên gia đình nội ngoại đều nghèo rơi nghèo rớt với nghiệp làm thuê làm mướn, không có một mảnh đất cắm dùi.
Sau ngày cưới, vợ chồng bà được địa phương cấp cho một mảnh đất nhỏ bên cạnh nghĩa địa của làng để làm nơi trú ngụ (không có sổ đỏ- PV). Anh em, hàng xóm mỗi người một tay giúp xây lên cái chòi bằng gạch, trét tạm xi măng, suốt hơn 20 năm nay vẫn không có điều kiện sửa chữa.
Căn nhà nơi nghĩa địa là nơi trú ngụ của gia đình bất hạnh |
Trước khi đến với nhau, bà Nga đã hành nghề thu lượm ve chai, còn người chồng làm thuê làm mướn. Về sau ông bỏ nghề “thợ đụng” để ngày ngày theo vợ đạp xe đi khắp các ngõ ngách để nhặt nhạnh phế liệu. Một năm sau ngày cưới, niềm hạnh phúc như nhân đôi khi bà Nga sinh Nam là con trai đầu lòng. Tuy nhiên trong cảnh nghèo khó, Nam sớm phải chịu những thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Người mẹ kể: “Khi nó vừa học xong lớp 4, tui sinh thêm đứa thứ hai, không có người chăm nom, cảnh nhà lại nghèo túng nên nó phải nghỉ học. Ở nhà chăm em được một thời gian, nó nói với tui xin đi làm công ty làm giày tư nhân...
Nó rất hiếu thảo, bao nhiêu tiền lương đều đưa về cho tui. Cũng rất hiền lành chưa bao giờ gây gổ hay xích mích gì với ai. Ngay cả khi bị cha say rượu chửi đánh, nó cũng không cãi một lời, chỉ ngồi vậy âm thầm đau đớn chịu đựng...”.
Về người chồng “ma men”, bà Nga cho hay thời trai trẻ, chồng bà không uống một giọt rượu nào. Nhưng từ sau ngày lập gia đình, ông dần sinh đổ đốn rượu chè bê tha.
“Vợ chồng tui chỉ đi lượm (ve chai - PV) một buổi sáng. Sáng sớm từ 5h, tui với ổng đã mỗi người một xe đạp rời nhà, đến khoảng 12h trưa thì về đến nhà. Buổi chiều, tui ở nhà phân loại phế liệu rồi chở đi nhập sỉ cho người ta. Còn ổng đi nhậu suốt buổi chiều đến tối mịt mới về. Ai khuyên nhủ cũng không nghe, bán ve chai được bao nhiêu tiền cũng đổ hết vào cuộc nhậu. Đã thế lúc say lại có tật nói nhiều, cằn nhằn và chửi bới tất cả mọi người ổng nhìn thấy”, bà kể.
Hơn 20 năm, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, hầu như ngày nào Nam cũng chứng kiến cảnh cha say rượu, chửi, đánh, đuổi, còn 3 mẹ con Nam phải chịu đựng hoặc là chạy trốn, đến khi cha ngủ mới được về. Bà Nga buồn rầu kể tiếp, Nam vốn là đứa con rất hiếu thảo. Dù ở địa phương không ít người chê bai, cười cợt Nam là có người cha “ma men” nhưng chưa một lần Nam ghét bỏ cha mình.
“Mỗi lần ổng chửi đánh, nó vẫn im lặng nhẫn nhịn, chưa bao giờ tui thấy nó cãi hay đánh lại ổng. Nhiều lần nó bị ổng đánh cho nhừ tử nhưng vẫn không dám nói lại gì”, người mẹ xót xa.
Năm 20 tuổi, Nam quen và yêu một cô gái. Chẳng bao lâu cô gái đó về sống với Nam như vợ chồng. Thời gian đó, Nam chăm chỉ, làm việc cật lực vì gia đình và vì “vợ”. Nhưng sau khi sinh con một tháng, “vợ” Nam đột ngột dứt áo bỏ đi không một lời nhắn nhủ. Bà Nga sụt sùi: “Có lẽ nó không chịu đựng được cảnh nghèo và cảnh có người cha chồng nghiện rượu nên mới vứt bỏ cả con mình đứt ruột sinh ra mà không một lần quay lại thăm nom”.
Sau khi bị “vợ” bỏ, Nam dần như đổi tính trở nên lầm lỳ, ít nói. Tuy công việc vẫn đi làm thường xuyên nhưng ngày nghỉ ít thấy Nam ở nhà. Người mẹ đau đớn nói như phân trần:
“Chuyện nó nghiện ma túy, tui không hề hay biết vì ngày nào tui cũng thấy nó đến công ty làm việc, lương bổng đều đưa về cho tui mua sữa cho cháu... Bình thường nó không chơi bời. Có lẽ “vợ” bỏ đi khiến nó buồn nên dễ dàng bị đám bạn xấu lôi kéo. Cũng vì vậy nó mới hành động dại dột giết cha. Giờ nó ân hận thì đã muộn mất rồi... “.
Bà thở dài: “Nhà tui bao lâu nay vẫn chưa thoát nghèo, giờ ổng đã mất, nó bị bắt, bị án tử hình, một mình tui phải nuôi đứa cháu. Tui sức khỏe yếu biết sống được bao lâu... Chỉ hi vọng pháp luật cho Nam cơ hội để có ngày nhìn được mặt con. Ở dưới suối vàng tui chỉ mong ổng sẽ tha thứ cho lỗi lầm của con trai”.