Nhà máy Điện Gió phát triển miền núi và chế biến Tây Nguyên: Thêm cổ đông mới đến từ đất nước “Chùa Vàng”

(PLVN) - Sáng 24/9/2020 tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Công ty CP Điện Gió Chư Prông và Công ty CP Năng lượng Gió Chư Prông - Hai đơn vị chủ đầu tư đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Nhà máy Điện Gió phát triển miền núi và chế biến  Tây Nguyên. 
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng các nhà đầu tư làm lễ động thổ 2 Dự án Điện Gió phát triển miền núi và chế biến Tây Nguyên.

Dự án điện gió có công suất 100MW, với tổng mức đầu tư 3.600 tỉ đồng, gần đường giao thông, gần lưới điện hiện có tiện cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, xa khu dân cư nên giảm được tiền đền bù.

Dự kiến sẽ đưa nhà máy vào khai thác trong tháng 6 năm 2021, với tổng sản lượng hơn 319,5 triệu KW/năm, doanh thu hơn 627,6 tỉ đồng/ năm, nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỉ đồng/ năm. Khi đưa vào vận hành, Dự án sẽ góp phần tạo thêm nguồn năng lượng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và sinh hoạt của người dân tỉnh Gia Lai. Dự án còn thu hút du khách du lịch đến đây chiêm ngưỡng, chụp ảnh đồi chè và công trình điện gió.

Bà Nguyễn Thị Sen, đại diện cho các nhà đầu tư cho biết, Dự án đã tiếp nhận thêm cổ đông mới đến từ Thái Lan. Ngày 18-9-2020, EPVN W2 (HK) Company Limited đã trở thành cổ đông mới sở hữu 9% cổ phần của Công ty CP Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 10% cổ phần của Công ty CP Điện Gió Chư Prông Gia Lai. Cổ đông mới này là một Tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan chuyên đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, đã đầu tư nhiều dự án mặt trời và điện gió ở nhiều tỉnh, thành phố của nước ta và các nước khác trên thế giới.

Tại tỉnh Gia Lai, Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 Dự án về Điện Gió với tổng công suất khoảng 1.200MW. Riêng 2 Dự án Nhà máy Điện Gió phát triển miền núi và chế biến Tây Nguyên được đánh giá phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung và chính sách đầu tư của tỉnh Gia Lai nói riêng. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng về việc kêu gọi đầu tư cho cả nước nói chung và tỉnh  Gia Lai nói riêng về Điện Gió.

Nói về việc bổ sung cổ đông và chuyển nhượng cổ phần này, ông Phùng Văn Phước, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai) cho biết: “Theo Luật Đầu tư thì việc góp vốn, mua cổ phần của Tập đoàn Thái Lan hoàn toàn bình thường.

Ở bất cứ dự án nào, nếu có bổ sung thêm nhà đầu tư thì trước khi chấp thuận cho nhà đầu tư cho phép góp vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số sở, ban, ngành có liên quan thẩm định kỹ càng năng lực của nhà đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ triển khai dự án”.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) khẳng định: “Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần Dự án đầu tư là điều bình thường trong cơ chế thị trường và được Luật Đầu tư cho phép. Đối với bất cứ nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện chuyển nhượng Dự án thuộc ngành nghề có điều kiện và được pháp luật cho phép thì có thể  chuyển nhượng”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Công ty CP Kinh doanh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai, đơn vị đồng chủ đầu tư 2 Dự án Điện Gió trong những năm qua luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai.

 

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, các chỉ tiêu cụ thể là bằng chứng sinh động cho  sự lớn mạnh của Công ty trong tình hình mới như: Nộp ngân sách Nhà nước 9-10 tỉ đồng/ năm, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/ người/ tháng. Doanh nghiệp làm công tác an sinh xã hội từ  3-4 tỉ đồng/ năm. 5 năm liền( 2014-2018), Công ty được Chính phủ tặng Cờ thi đua và nhiều Bằng khen; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba và Hạng Hai.

Riêng cá nhân bà Nguyễn Thị Sen là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cũng được lãnh đạo các doanh nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai hơn 20 năm. Bà được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba và Hạng Nhì, được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Mặc dù diễn biến đại dịch Covid - 19 trên toàn cầu diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế trong nước và quốc tế suy thoái nhưng Công ty vẫn đứng vững và không có lao động phải nghỉ việc, quyền lợi của người lao động được bảo đảm như: BHXH, BHYT, BHTN…Điều đó chứng tỏ tiềm lực của Công ty thực sự lớn mạnh.

Hy vọng khi thêm cổ đông mới có năng lực về tài chính và nhiều kinh nghiệm về xây dựng Nhà máy Điện Gió đến từ đất nước Chùa Vàng Thái Lan sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công và làm cho Dự án khả thi, đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội cao ở quê hương Anh hùng Núp “đầy nắng, đầy gió”.

Đọc thêm