Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, nhà máy chế biến rác thải Bến Tre, bãi rác các huyện trên địa bàn tỉnh đều ô nhiễm. Nhiều bãi rác ở xã trở thành điểm đen môi trường. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt thấp, khu vực đô thị chiếm 92%; khu vực nông thôn tỷ lệ thu gom rất thấp, chỉ thu gom khu vực chợ xã và trung tâm xã.
Bến Tre có một Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Bến Tre khả năng tiếp nhận, xử lý khoảng 180 tấn/ngày, xử lý bằng công nghệ lò đốt công suất 120 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhà máy chậm hoàn thành tiến độ đầu tư, hoạt động không hiệu quả, dẫn đến các vấn đề môi trường. Cụ thể, lượng rác tồn đọng tại nhà máy trên 50 ngàn tấn, trở thành bãi rác mới; khí thải của lò đốt rác công suất 120 tấn/ngày, mùi hôi, nước rỉ rác thoát ra ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Lượng rác thải thu gom được trên toàn tỉnh Bến Tre khoảng 350 tấn/ngày. |
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bến Tre đã đề nghị các cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia tích cực bằng hành động cụ thể.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá hiện trạng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, dự báo phát thải chất thải rắn trong thời gian tới. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện khảo sát, thống nhất đề xuất phương án xử lý rác tạm thời và đến năm 2025, sau năm 2025 dự kiến đầu tư mới khu liên hợp xử lý rác cho tỉnh. Đồng thời, hoàn thành Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn để triển khai áp dụng đồng bộ; chủ trì triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn.
Ngoài ra, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre nghiêm túc thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, không được đầu tư lò đốt rác không phù hợp với quy định về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, không đầu tư bãi chôn lấp rác cấp xã do không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bến Tre từng bước xây dựng hình ảnh “Bến Tre xanh - sạch - đẹp” |
Song song với đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre” làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện và triển khai các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật.
Theo đề án này, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 95,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trên 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2030, trên 98,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trên 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.