Cụ thể, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, đối với các nhà ngoại giao, kỹ năng về tri thức trong thời đại số là vô cùng cần thiết và quan trọng. Hiện nay, các nước như Anh, Mỹ, Bắc Âu, Singapore, Australia đã đi đầu trong lĩnh vực đào tạo về thời đại số cho cán bộ ngoại giao. Các cán bộ ngoại giao, đối ngoại của họ trước khi đi luân chuyển bắt buộc phải được đào tạo các kỹ năng về công nghệ số vì thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, họ có thể để tiếp cận được với công chúng của nước sở tại, tiếp cận với công chúng trong nước.
Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong đào tạo cho các nhà ngoại giao vấn đề này. “Các nhà ngoại giao muốn làm được tốt việc đó chúng ta phải thay đổi chiến lược đào tạo. Trong thời đại số này, chiến lược đào tạo rất quan trọng vì cuối cùng và căn bản nhất của công nghệ số chính là con người sử dụng công nghệ đó như thế nào. Nếu con người muốn sử dụng thì phải hiểu, phải có tri thức, kỹ năng mới”, bà nói.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga |
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng cho rằng các chương trình giảng dạy hiện nay cần có cách tiếp cận mới. Các trung tâm đào tạo, đặc biệt trong các trường đào tạo về ngoại giao, quan hệ quốc tế bắt buộc phải có những chương trình thích ứng với những thay đổi của giáo dục trên toàn cầu. “Hiện nay, tất cả các ngành nghề đang thay đổi, ngành ngoại giao cũng phải thay đổi vì điều này tác động đến lợi ích quốc gia và việc thực thi chính sách. Các chương trình học cho các nhà ngoại giao phải linh hoạt hơn, nắm bắt được nhu cầu của từng người trong từng đơn vị, từng bộ phận làm việc, cụ thể hóa những lợi ích, quan tâm của từng học viên và tạo được điều kiện cho nhà ngoại giao sử dụng các thiết bị công nghệ cao để có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ cái gì họ muốn”, Đại sứ Nga nhận định.
Theo nữ đại sứ này, với những thuộc “thế hệ số” hiện nay, chương trình đào tạo phải ngắn gọn, đơn giản, cụ thể từng vấn đề. “Chúng ta phải thay đổi điều này. Cách tiếp cận trong xây dựng, giảng dạy và phương pháp đưa chương trình, xây dựng nội dung chương trình phải thay đổi, phải cụ thể hóa hơn, đáp ứng được tốc độ thay đổi của công nghệ”, bà Nga chỉ rõ. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC cũng nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao phải hiểu được tác động của công nghệ số, công nghệ mới đối với thế giới và ngành ngoại giao. Trong bối cảnh “ngoại giao số” đã hình thành, các nhà ngoại giao số đang ngày càng trở nên phổ biến, các nhà ngoại giao của chúng ta cũng phải thay đổi, phải biết sử dụng mạng internet và các công nghệ mới để phục vụ cho nhiệm vụ của mình.
Theo Đại sứ Nga, các nhà ngoại giao có thể phân tích chính sách, lấy thông tin, bảo vệ các công dân của nước mình trong bối cảnh khủng hoảng quốc tế hay có những đột biến, khủng hoảng trên thế giới tác động đến nước mình. “Các cách tiếp cận về thông tin, liên hệ, phối hợp trong ngoài nước hoàn toàn khác trước, nhanh hơn rất nhiều nên các nhà ngoại giao phải hiểu được điều đó để sử dụng”, bà nói. Song, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng cho rằng các nhà ngoại giao phải biết cách ứng xử với những tác động tiêu cực của công nghệ.
Đại sứ Nga cho hay, năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò kép là Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Trong bối cảnh thời đại số hiện nay, các nhà ngoại giao sẽ phải chuẩn bị cho mình nhiều kỹ năng để đảm nhiệm công việc đồng thời trên nhiều mặt trận cùng một lúc. “Nhà ngoại giao phải hoạt động một cách tích cực và sáng tạo để thể nắm bắt được những quan tâm chung để đi trúng trong việc thực hiện vai trò kép đó. Cùng với đó, họ cũng phải học những vấn đề mới, những quan tâm mới của thế giới, phải học để biết ứng dụng các vấn đề liên quan đến công nghệ số cho công việc của mình hàng ngày”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.
Nữ Đại sứ cho rằng, đây là quá trình vừa tự học vừa được đào tạo, là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để các nhà ngoại giao Việt Nam trưởng thành và có những bước nhảy vọt trong 2 năm tới.