Nhà nước cần “cầm trịch” trong phòng chống thiên tai

Nhiều ý kiến về dự án Luật phòng, chống thiên tai (PCTT) cho rằng, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ”, nhất là việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia PCTT.

Cho ý kiến vào dự án Luật phòng, chống thiên tai (PCTT) tại phiên họp thứ 10 của UBTVQH hôm qua - 14/8, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ”, nhất là việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia PCTT.

Đắp đê phòng lũ. Ảnh minh họa
Đắp đê phòng lũ.

Kinh phí: không chỉ lo khắc phục hậu quả

Lần đầu được đưa ra UBTVQH cho ý kiến, Luật PCTT gây nhiều tranh luận ngay từ tên gọi của Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, thiên tai xảy ra là yếu tố khách quan, chỉ có thể phòng, tránh và thực hiện các giải pháp khác phục hậu quả, còn chống là chuyện khó khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển chưa hài lòng với dự án luật. Ông cho rằng Luật này đang thiếu những chế tài, biện pháp cụ thể, nhất là trong trường hợp không may xảy ra những thảm họa lớn. Theo ông Hiển, thực tế hiện nay, Quỹ Phòng chống bão lũ không giải quyết được vấn đề khi có sự cố mà vẫn phải dùng tiền ngân sách.”Đặt ra quy định mức thu thuế và giao Chính phủ quy định là không thể được. Ngoài thuế, tại sao không tính đến việc lao động công ích?” - ông Hiển đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, “nếu bắt buộc toàn dân đóng góp vào Quỹ PCTT thì phải quy định ngay trong luật, phải công khai. Quốc hội thông qua thì phải có trách nhiệm giám sát”. Bà Mai đồng ý quan điểm, trong PCTT, nhà nước phải có vai trò chủ đạo nhưng cũng nên xác định địa bàn trọng điểm, ví dụ miền Trung bão lụt, ĐBSCL là nước biển dâng, để có sự đầu tư quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng tỏ rõ quan điểm, PCTT cần xác định ngân sách nhà nước phải chủ đạo và đầu tư phải “đúng, đủ, kịp thời”: “Mỗi lần bão lụt xảy ra thấy công cụ, trang thiết bị cho lĩnh vực này quá thiếu, như ca nô, tàu chuyên dụng, cầu cảng, chưa nói đến thiết bị quan trắc dự báo, phương tiện kỹ thuật…”.

Phó Chủ tịch cho rằng, đầu tư cho PCTT không chỉ là khắc phục hậu quả mà còn là nhân lực, nguồn lực để làm tốt công tác phòng ngừa.

Vấn đề này, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường cũng chỉ rõ: Kinh phí Nhà nước cho công tác PCTT còn hạn hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các nhiệm vụ PCTT. Các nguồn tài chính khác như nguồn thu từ Quỹ phòng chống lụt bão là rất nhỏ so với yêu cầu; các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước không ổn định…

Điều này dẫn đến tình trạng công tác PCTT còn thiếu tính chủ động và chuyên nghiệp; việc tổ chức thực hiện chủ yếu tập trung cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai mà chưa tập trung cho công tác phòng ngừa nên hiệu quả chưa cao, thiệt hại do thiên tai còn lớn.

Phải rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức

Cho rằng dự án luật có nhiều nội dung quy định trách nhiệm cấp, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức nhưng lại thiếu lực lượng vũ trang, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, trên thực tế, mỗi khi có thiên tai, đây là lực lượng quan trọng, luôn có mặt kịp thời nên cần phải bổ sung quy định này; trong trường hợp cao nhất nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp thì người có thẩm quyền huy động phải là Chủ tịch nước.

Ông Khoa cũng đề nghị xác định rõ vai trò trách nhiệm và xử lý vi phạm những người đứng đầu tổ chức không chấp hành, chấp hành không đúng trong PCTT. Từ những việc đã xảy ra ở Việt Nam cho thấy, vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu rất khó khăn. “Có nước trên thế giới chỉ cần ứng phó chậm đã bị cách chức rồi” - ông Khoa nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng bày tỏ sự không bằng lòng “dự thảo quy định trách nhiệm thuộc nhà nước nhưng nhà nước là ai, Bộ, ngành nào phải ghi rõ chủ thể, quy định chung chung như vậy dễ thành khẩu hiệu, không giải quyết được vấn đề gì”.

Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền của UBND các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn nơi trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong việc huy động nguồn lực PCTT và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai…

Xuất hiện bão Kai – Tak gần Biển Đông

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 13h hôm qua - 14/8, vị trí tâm bão cách đảo Luzon  khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ hôm nay - 15/8, vị trí tâm bão cách đảo Luzon khoảng 200 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có mưa rào và dông mạnh. Từ chiều nay, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Thu Hằng

Đọc thêm