Nhà sáng lập một ’gã khổng lồ bé nhỏ’ chia sẻ kinh nghiệm

Trong lúc các doanh nghiệp đương vắt óc tìm kiếm các nguồn vốn vay “giá mềm” để kinh doanh, lại đi bàn mấy chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp nghe có vẻ xa vời. Vậy mà, cuộc hội thảo về chủ đề này, với sự có mặt của nhà sáng lập "gã khổng lồ bé nhỏ" Beryl, lại thu hút nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm.

Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, các doanh nghiệp đương vắt óc tìm kiếm các nguồn vốn vay “giá mềm” để kinh doanh, lại đi bàn mấy chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp nghe chừng có vẻ xa vời. Vậy mà, cuộc hội thảo về chủ đề này do Cty cổ phần sách Alphabooks kết hợp với Techcombank vừa tổ chức tại Hà Nội lại thu hút sự quan tâm của rất nhiều Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp Việt Nam …

Hội thảo có sự có mặt của ông Paul Spiegelman – nhà sáng lập, CEO của Cty Beryl - Cty được người Mỹ mệnh danh là một trong 14 “gã khổng lồ bé nhỏ”. Đây là Cty hàng đầu trong danh sách các Cty có môi trường làm việc tốt nhất nước Mỹ, hai năm liền đứng trong danh sách 5.000 Cty tư nhân tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ và hiện chiếm 90% thị phần dịch vụ tư vấn y tế tại quốc gia này.

Ông Paul chia sẻ, sự thành công của Cty ông là do tầm nhìn và thực hiện tầm nhìn. Đặc biệt, ở Beryl, con người luôn là yếu tố hàng đầu - sự quan tâm của lãnh đạo Cty nghiêng về nhân viên còn hơn là khách hàng.

Bình luận về sự lạ tai này, ông Nguyễn Thành Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT bày tỏ: “Điều đó chỉ phù hợp với nước Mỹ, bởi từ lâu họ đã coi khách hàng là thượng đế như một lẽ đương nhiên. Còn ở Việt Nam, khách hàng đôi khi chưa được quan tâm đúng mức, nên chúng tôi đặt sự quan tâm tới nhân viên và khách hàng ngang bằng nhau”.

Ông Nam khoe: “Ở FPT, chúng tôi có “ngày phụ huynh” – mỗi năm, Cty tổ chức buổi gặp gỡ phụ huynh của nhân viên một lần tại Cty. Phòng làm việc của nhân viên có thể tự do treo, vẽ bất cứ cái gì họ muốn - để họ luôn cảm thấy đó là phòng làm việc riêng của mình. Tiếp đến chúng tôi mở forum như “cái chợ” – để nhân viên tha hồ phê bình sếp (cười). Giúp họ xả stress, đồng thời, qua đó, họ được tự do bày tỏ ý kiến cá nhân và học cách phê bình…”.

Nói về văn hóa doanh nghiệp, ông Nam quan niệm: Thực tế, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng không thể ngồi nhâm nhi nghĩ về văn hóa doanh nghiệp được. Mà mỗi doanh nghiệp, phải biết sử dụng văn hóa doanh nghiệp để tạo ra nhiều công ăn việc làm, đảm bảo đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần cho nhân viên.

Một câu chuyện vẫn được kể tại FPT: sau nhiều năm làm ăn liên kết với một doanh nghiệp của Nhật Bản, nhân dịp kỷ niệm, ông người Nhật đó nói: người đầu tiên ông ta muốn gặp lại và tặng quà đó là một nhân viên của FPT, tên là Tùng. Cả ban lãnh đạo FPT đều bất ngờ.

“Bí mật” được giải thích một cách giản dị: Ngày  đầu sang Việt Nam tìm hiểu về FPT, ông không có mấy ấn tượng. Chiều về, một nhân viên tên Tùng tìm đến, hỏi: ông cần biết thêm thông tin gì về FPT không? - ông đáp: không cảm ơn! Anh này bảo: vậy thì tôi hát tặng ông nghe và anh hát bài hát truyền thống của FPT. Ngay sau đó, doanh nhân người Nhật chọn FPT là đối tác. Ông ấy lý giải rằng, một doanh nghiệp có nhân viên tận tụy, tức là họ yêu Cty ấy và chắc chắn Cty ấy phải có điểm hay. 

Mai Hoa

Đọc thêm