Nguồn cảm hứng bất tận từ trang phục 36 giá đồng
Phương Anh (năm 1984), sinh ra tại gia đình tri thức Hà Nội. Ngay từ nhỏ, Phương Anh đã bộc lộ sự yêu thích thời trang qua việc tự mày mò may quần áo cho búp bê. Thời niên thiếu, cô bé hay dành dụm tiền quà để mua vải và tự may quần áo túi xách cho riêng mình và cả những món đồ nhỏ xinh bán cho bạn bè theo mốt hàn quốc lúc ấy. Phương Anh luôn ước mơ sau này mình là nhà thiết kế thời trang.
Nhưng ước mơ ấy bị trở ngại. Bố mẹ Phương Anh đều là bác sĩ nên bố muốn lái con gái đi theo nghiệp Y để chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Dù không muốn nhưng Phương Anh vẫn sang Pháp để chuẩn bị bước vào con đường mà bố sắp đặt. Nhưng chỉ ở được một thời gian ngắn, Phương Anh nhớ Việt Nam da diết, nhớ những mũi kim, sợi chỉ.
Ở bên xứ người, ngắm những trang phục Châu Âu, cô lại càng nhớ, càng yêu những bộ trang phục đậm nét truyền thống Việt. Cô ấp ủ, ngày nào đó, sẽ thiết kế những bộ trang phục dân tộc Việt tinh tế, đầy nghệ thuật để giới thiệu bạn bè quốc tế.
Ước mơ đó đã thôi thúc cô gái trẻ quay về mặc dù biết điều đó sẽ làm bố không vui. Để "xoa dịu" bố Phương Anh tìm mọi cách làm cho bố hiểu rằng, nghề Y của bố mang lại sức khoẻ cho mọi người,con không làm điều đó thì nhất định con sẽ mang đến vẻ đẹp cho phụ nữ Việt,trước lời thuyết phục ấy, bố Phương Anh đành “chịu thua” cô con gái yêu quý đầy cá tính của mình.
Khi trở ngại gia đình qua đi cũng là lúc Phương Anh bắt đầu thỏa sức hiện thực hóa ước mơ của mình. Ngay từ khi còn nhỏ cô bé Phương Anh đã có sở thích đi theo bà đến những nơi đền phủ để tham dự những buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.
Nhà thiết kế trẻ Phương Anh |
Những y phục lộng lẫy sắc màu hoà vào lời văn tiếng nhạc mang đậm nét văn hoá nghệ thuật dân gian đã cuốn hút cô bé từ lúc nào không hay. Dường như đó cũng là “duyên” để dẫn dắt Phương Anh theo đuổi ước mơ của mình.
Qua tìm hiểu sách vở cũng như những buổi được tham dự nghi thức thờ Mẫu, Phương Anh hiểu mỗi bộ y phục là thể hiện đặc trưng của từng vị thánh trong đạo Mẫu và còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt.
Thiết kế y phục truyền thống thời @
Các cụ nói, “không có y phục, không có hầu đồng” quả không sai. Nếu chầu văn là “linh hồn” của tín ngưỡng thờ đạo Mẫu thì khăn chầu, áo ngự là y phục quan trọng không thể thiếu để thực hiện nghi thức lên đồng. Trong mỗi bộ y phục hoà vào cung đàn tiếng hát khiến cho người xem như được quay trở về cõi giới xa xưa của các vị thánh nhân được tương truyền trong dân gian.
Có 4 phủ tượng trương cho 4 miền, ứng với đó là các màu sắc khác nhau là: Thiên phủ (mùa đỏ), Địa phủ (màu vàng), Thoải phủ (màu trắng) và Nhạc phủ (màu xanh). Ứng với mỗi vị thánh ở các phủ và các vùng, trang phục hầu đồng được biến đổi cho phù hợp. Ví như y phục của quan lớn Đệ Tam có màu trắng chủ đạo vì đây là vị thánh nam thần thuộc Thoải phủ.
Trong khi đó, y phục của Chầu bà Đệ Nhị mang màu xanh chủ đạo, tượng trưng cho miền rừng núi, thuộc về Nhạc phủ… Mỗi vị trí thêu, họa tiết thêu đều được dùng theo các mục đích khác nhau và cũng giúp phân định các hàng quan thánh, hàng chầu… Như họa tiết rồng chỉ được dùng cho Quan lớn, ông Hoàng trong khi trang phục hàng chầu, hàng thánh cô thường thêu hình phượng, hoa… trên áo gấm.
Y phục của các giá quan Lớn, quan Hoàng lại vô cùng uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến. Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh.
Ngoài ra, người tham dự vẫn phân biệt được từng giá hầu ứng với vị thánh nào qua các đai, mạng, nét, chấn, vòng, quạt, khăn đội đầu, mũ, hài cũng được gia công rất tinh xảo., âm nhạc, điệu nhảy…. Qua bộ y phục cũng như nghi lễ hầu đồng, mọi người có thể cảm nhận được nếp nghĩ, lối ở, cách ăn mặc và sinh hoạt của ông cha ta ngày xưa.
Không những thế, bộ y phục còn thể hiện những suy nghĩ của người dân về các thánh thần là những người có công với đất nước được suy tôn làm thánh hoặc những nhân vật được lịch sử hóa với các chiến công, phong cách riêng như: Đức thánh Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu...
Bộ thiết kế Mi đến từ những giấc mơ, mộng mị |
Những câu chuyện lịch sử, câu chuyện tâm linh đã theo Phương Anh lớn lên cùng năm tháng và cô gái trẻ ấy muốn giữ nguyên nét đẹp hào hùng,giữ nguyên cái hồn của dân tộc để được thể hiện trên tà y phục truyền thống.
Hiểu rõ tầm quan trọng của y phục, Phương Anh càng thấy trân quý và nguyện tôn thêm vẻ đẹp của “khăn chầu, áo ngự”. Phương Anh ước mơ sẽ tự tay thiết kế bộ y phục ấy thêm tinh tế, nghệ thuật, mang “hơi thở thời @”.. Phương Anh mong muốn thông qua những bộ y phục lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử và được lịch sử hoá trong tín ngưỡng thờ mẫu có duy nhất tại Việt Nam, cô sẽ dần dần giới thiệu tới mọi người cũng như với du khách nước ngoài hiểu sâu hơn nữa về sự đa dạng phong phú mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Càng nghiên cứu về y phục, văn hóa cổ xưa, cô càng thêm say. Miệt mài thiết kế suốt một thời gian cô đã cho ra mắt bộ sưu tập nhỏ có tên "Mị“.. ý tưởng của những bộ y phục ấy đều xuất phát từ những giấc mộng mị như trở về xa xưa ”- Phương Anh chia sẻ.
Khi biết Phương Anh đi một con đường khác lạ mà chẳng giống bất cứ nhà thiết kế trẻ nào, không ít người cho rằng cô gái gốc Hà thành đang lãng phí tâm sức. Họ bảo, các nhà thiết kế trẻ đua nhau thiết kế bộ thời trang hiện đại cho dễ làm, dễ thu lời thì cô lại chọn cho riêng mình con đường thiết kế những trang phục mang hơi hướng nghệ thuật dân gian cổ xưa, đòi hỏi phải có vốn văn hóa và trình độ thẩm mỹ cao. Dù vậy, Phương Anh vẫn giữ ngọn lửa đam mê.
Theo Phương Anh, vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của y phục khăn chầu, áo ngự là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”. Nhà thiết kế trẻ sẽ dành thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để góp phần tôn vinh khăn chầu, áo ngự giới thiệu với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nhất là khi, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (đạo Mẫu) của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong năm nay, Phương Anh sẽ còn cho ra mắt những mẫu thiết kế phiêu theo đam mê này nhiều hơn nữa. Cô gái trẻ trung năng động 8x sẽ mang tới làn gió mới vô cùng thú vị. Điều mà Phương Anh ấp ủ cho những sản phẩm trong tương lai của mình là cô muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để gìn giữ nét đẹp văn hoá nghìn năm, để làm sao khi ai ngắm nhìn những sản phẩm nghệ thuật này cũng như được nghe một câu chuyện lịch sử về các vị anh hùng.... Cô gái trẻ 8x mong muốn góp phần cống hiến cho sự bảo tồn văn hoá thông qua các y phục dân tộc Việt Nam.