Nhà văn 80 tuổi vẫn cặm cụi dâng đời quả ngọt

(PLO) - “Tôi nhận thấy, ở tuổi 80 của mình, bạn bè ít ai còn có thể ngồi vào bàn làm việc, gõ máy như vậy. Ở tuổi này, tôi vẫn giữ thói quen ghi chép thời trẻ đồng thời luyện trí nhớ. Tôi lấy văn chương làm niềm vui lớn trong cuộc đời và muốn viết tốt thì tinh thần phải thoải mái, luôn lạc quan”, nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự.
Nhà văn 80 tuổi vẫn cặm cụi dâng đời quả ngọt

Nhà văn Ma Văn Kháng vừa tham gia trò chuyện với độc giả tại buổi giao lưu “Ma Văn Kháng - Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” do Đinh Tị Book  tổ chức tại Trường Trung học Vinschool, Times City, Hà Nội,

Cuộc trò chuyện không chỉ xoay quanh những tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng mới được Công ty sách Đinh Tị giới thiệu lại với độc giả như: “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Một mình một ngựa”... mà đây còn là một dịp để những người yêu văn học cùng nhìn lại cả một chặng đường sáng tác của một trong những nhà văn có bút lực mạnh mẽ nhất trong dòng văn xuôi Việt Nam trong hơn 50 năm qua.

Với khối lượng tác phẩm đồ sộ hơn 22 tiểu thuyết đã được xuất bản và hơn 200 truyện ngắn trong cả sự nghiệp sáng tác của mình, quả không sai khi nhắc đến quãng thời gian văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng là “năm tháng quang vinh”. Vậy điều gì đã khiến nhà văn có một niềm say mê dường như là bất tận với nghiệp viết với những  con chữ và câu chuyện kể lại đến vậy?

Trong những năm tháng làm việc của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã may mắn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống ở cả thành thị và miền núi, bởi vậy, những tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn đều là những sáng tác xuất phát từ hai đề tài này. Bằng ánh mắt tinh nhạy của một nhà văn, vốn sống dồi dào và ngòi bút sắc sảo, Ma Văn Kháng đã gói trọn những vấn đề thời sự của đất nước thời kỳ đổi mới, những câu chuyện có tính nhân văn sâu sắc vào từng trang văn. Cái tên “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” của sự kiện cũng là một lời nhắn nhủ để bạn đọc cùng nhớ lại quãng thời gian đầy khắc khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng ấy.

Thế hệ đi trước họ đã sống, đã trải nghiệm và đã viết nên những tác phẩm để lại những bài học sâu sắc nhất mà các thế hệ sau, sau nữa vẫn luôn trân trọng. Bởi vậy, sự kiện có thể coi là dịp để thế hệ độc giả mới được hiểu hơn về chuyện bếp núc của nghề văn, về quá trình sáng tạo nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm thuộc về quá khứ xa xôi nhưng vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay. Và hơn nữa, đây cũng là cơ hội để người yêu văn cùng tôn vinh một đại tiền bối của làng văn, cùng nhìn lại về quá khứ, hiện tại và cả tương lai của văn học Việt dưới nhận định của các chuyên gia hàng đầu.

Đọc thêm