Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khép lại cuộc đời văn chương với nhiều dấu ấn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 24/7, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã khép lại cuộc đời văn chương nhiều dấu ấn.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Nhà văn mang đậm "hồn" Huế với ý chí kiên cường bản lĩnh

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (SN 9/9/1937, tại TP. Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, năm 1960 ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1960 đến năm 1966 ông dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Từ năm 1966 đến 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát ly gia đình để lên chiến khu, tham gia chiến tranh Việt Nam chống lại Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa bằng hoạt động văn nghệ. Trong những năm đầu của thập niên sáu mươi, Hoàng Phủ Ngọc Tường giảng dạy tại trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Sau đó, ông chia xa gia đình để lên chiến khu, tham gia vào cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước thông qua hoạt động văn học nghệ thuật.

Cùng với nhiệt huyết và tài năng của mình, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam và từng nắm giữ nhiều chức vụ như tổng thư ký, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên hay tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt từ năm 1978.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh năm 1998, nhưng với khát vọng sống mãnh liệt, ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh. Thời điểm đó, vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở thành “thư ký riêng của chồng”. Bà ghi chép cần mẫn bản thảo của gần chục đầu sách văn xuôi, gồm bút ký, tiểu luận, tản văn của chồng... Những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn này được đăng trên chuyên mục Nhàn đàm của báo Thanh Niên.

Đã nhiều năm kể từ khi nhà văn bị bệnh cho đến nay, hàng trăm trang văn vẫn được đều đặn viết nên như thế. Điều này cũng chứng tỏ ông là người có nghị lực sống. Trải qua nhiều sự biến động, ông ấy vẫn giữ vững bản lĩnh của người viết văn.

Năm 2007, tác giả được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho những đóng góp lớn của mình vào kho tàng văn học Việt. Nổi bật trong số đó có tác phẩm Rất nhiều ánh lửa với giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam hay Ai đã đặt tên cho dòng sông được tinh tuyển là một trong những bút ký hay nhất.

Ngoài ra, nhà văn còn nhận được giải thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế và giải thưởng văn học nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất.

Cây bút tài hoa cùng những dòng sông kỷ niệm

Dòng sông Hương nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Dòng sông Hương nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tuổi thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn gắn liền với thành phố Huế mộng mơ và dòng sông Hương Giang lung linh, huyền ảo. Ông thể hiện tình yêu quê hương qua áng văn chương của mình, đa phần các tác phẩm của ông đều mang đậm dấu ấn của sông Hương, nổi bật là các tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn hay Hoa trái quanh tôi.

Bằng ngôn từ giàu hình ảnh và nhiều biện pháp so sánh, ẩn dụ độc đáo cùng lối hành văn tao nhã, Ai đã đặt tên cho dòng sông đã thành công để lại trong lòng người đọc ấn tượng về một bức họa tuyệt đẹp của dòng Hương Giang xứ Huế xưa.

Giáo sư, Tiến sỹ lý luận văn học - Trần Đình Sử từng viết về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các điều kiện đời sống… Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ… Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hoá với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn.”

Có thể nói, Ai đã đặt tên cho dòng sông là cuộc hành trình tâm hồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm về cội nguồn của xứ Huế, của những vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng. Sông Hương, dòng sông Thơm, “xao xuyến như da thịt, sâu thẳm như thời gian” không chỉ là đối tượng thẩm mĩ, là cảm hứng cho cây bút Hoàng Phủ Ngọc Tường mà còn nhiều cây bút khác nữa.

Ảnh bìa cuốn sách Ai đã đặt tên cho dòng sông tác phẩm nổi bật của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ảnh bìa cuốn sách Ai đã đặt tên cho dòng sông tác phẩm nổi bật của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trong tác phẩm Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại một lần nữa cho ta nghe thấy những giai điệu của dòng sông quê đầy hoang dại, mộc mạc. Đã có bài ca trong trẻo được vang lên như réo rắt khắp núi rừng A Lu, chất chứa trong mình nhiều tâm tư nặng trĩu.

Mặc dù đã tận mắt tham quan vô số dòng sông nổi tiếng trên thế giới nhưng con sông quê luôn để lại nhiều cảm xúc đặc biệt nhất trong lòng nhà văn. Ông xem nó là những ký ức đáng trân trọng, là niềm cổ vũ tinh thần giúp bản thân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Toàn bộ tri thức của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều được thể hiện thông qua việc sống, xê dịch và chiêm nghiệm kết hợp với tấm lòng đầy xúc cảm đã kết tinh nên những trang viết cuốn hút, mê đắm và tài hoa.

Với những giá trị quý báu, tình yêu quê hương, đất nước mà nhà văn gửi gắm qua mỗi tác phẩm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thành công trong việc khẳng định tên tuổi của mình. Với vai trò là cây bút ký chuyên nghiệp của văn học Việt Nam, ông thắp lên trong lòng người đọc niềm trân trọng và biết ơn quê hương xứ sở và những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đất nước mình.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của nhiều tác phẩm ký được yêu thích có thể kể đến như Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế - di tích và con người (1995), Miền cỏ thơm (2007)... Ông cũng là chủ nhân của nhiều tác phẩm thơ như Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992).

Đọc thêm