Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Đời hay lắm chứ

Nghe nhiều, đọc nhiều về các vụ án, về tội ác, nhiều người trở nên lo lắng, thấy cuộc sống sao mà u ám. Hãy cùng PV trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để thấy rằng, đời hay lắm chứ, đáng sống lắm chứ.

Nghe nhiều, đọc nhiều về các vụ án, về tội ác, nhiều người trở nên lo lắng, thấy cuộc sống sao mà u ám. Hãy cùng PV trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để thấy rằng, đời hay lắm chứ, đáng sống lắm chứ.
Cứ cuống cuồng lên

"Gần đây, chúng ta nói nhiều tới sự gia tăng tội ác trong xã hội khiến tôi lại nhớ đến truyện ngắn "Tội ác và trừng phạt".

Báo chí lâu nay nói hơi nhiều về tội ác. Trong một ngôi nhà, nếu không khí âm u phiền não thì tất cả mọi người sống ở trong đấy sẽ rất nặng nề. "Nghĩ chính phiền não trừ, nghĩ tà phiền não đến. Chính tà đều chẳng thiết, thanh tịnh đến vô cùng...".
 
Phải hiểu những tội ác cũng là một sự thường khi xã hội phát triển. Điều quan trọng là phải biết để tìm cách diệt nó, không thể nào lờ nó đi được. Sẽ còn có những tội ác ghê gớm hơn nữa.
 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Nghe đáng sợ quá!

Đời là bể khổ. Biết vượt qua bể khổ, đấy là lẽ sống đấy. Xã hội mình đang phát triển nhanh, con người lúc nào cũng nôn nóng, vội vàng. Vợ chồng hơi cãi cọ nhau là ly dị. Trẻ con rất hay cáu kỉnh. Ít có những người điềm đạm, bình tĩnh, sống chậm rãi.

Có câu chuyện thế này, một cụ già đào giếng, rồi kéo từng thùng nước lên, có người bảo sao không làm cái ròng rọc cho nhanh và đỡ mệt. Ông bảo, nếu sử dụng cơ khí thì nó sẽ sinh ra cơ tâm, tâm của tôi sẽ sinh ra oái oăm.

Con người ta phải biết sống chậm rãi để hưởng thụ cuộc sống của mình. Sống có mấy chục năm thôi. Đời hay lắm chứ! Tất cả nghệ thuật là ở chỗ làm sao giữ được sự cân bằng, chứ quá lên là nguy".

Những cái đó thường phải sống gần hết cuộc đời rồi ta mới nghiệm ra được?

Con người ngày nay thường không chịu chiêm nghiệm, không tự quan sát bản thân mình, quan sát mọi người, tất cả cứ cuống cuồng lên, cứ loạn lên, kỹ năng sống cơ bản thì không có. Xã hội cứ xô vào vật chất, lợi lộc. Vì đồng tiền mà hủy hoại bản thân, hủy hoại danh dự, đấy là điều vô nghĩa.

Có phải vì thế mà tội ác gia tăng và ngày càng trẻ hoá?

Nguyên nhân từ sâu xa hơn nhiều, nhưng đấy cũng là một vấn đề. Trường hợp cậu Luyện giết người có rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có một. Có cái giải thích được, có những cái không giải thích được. Thế giới là hỗn độn, là vô minh. Đám trẻ phạm tội nhiều vì nó không phân biệt được cái hay cái dở, cái đúng cái sai. Đấy là điều rất nguy hiểm, nó làm lẫn lộn tất cả các giá trị.

Ông có cho rằng vì cuộc sống thay đổi, nên các giá trị cũng phải thay đổi?

Đương nhiên. Nhưng có một số giá trị nếu không giữ được sẽ rất nguy. Cần quan tâm đến văn hoá vì đó là một giá trị rường cột. Con người Việt Nam ngày nay đi đâu không cảm giác có quê hương nữa. Xưa đi về thôn xóm làng mạc còn có gia đình, có ngôi đình, ngôi chùa, tự hào về quê hương mình, còn nay thế giới giao hòa, rồi toàn cầu hóa nữa, ở đâu cũng như ở nhà, làm con người mất đi quê hương, mất đi những giá trị nguồn cội của nó. Và điều đấy tưởng như là vớ vẩn nhưng thật kinh khủng. Mất quê hương là mất cội nguồn, mất đi giá trị văn hoá sống.

Trẻ con nói là đúng đấy

Con gái tôi mới học lớp 5, cháu bảo, con không thấy tự hào là người Việt Nam vì người Việt Nam bẩn lắm. Ra đường thì vứt rác, nhổ bậy... Vậy tôi biết dạy nó thế nào đây?

Trẻ con nói là đúng đấy. Nhưng mỗi người phải tự lo thôi, sao hỏi tôi được? Môi trường còn bẩn nữa, xung quanh còn nhếch nhác, bẩn thỉu nữa. Phải dạy con muốn tự hào thì mỗi người phải giữ cho bản thân sạch sẽ, xung quanh mình sạch sẽ, rồi người lớn phải làm gương cho con trẻ. Phải biết giáo hóa lẫn nhau. Phật đã dạy "Muốn giáo hoá người đời. Phải tự có phương tiện. Chớ để họ sinh ngờ. Tự tính liền biểu hiện". Nên biết rằng, khi con người đã phát triển thì rất khó giáo dục.
 
"Nếu có đứa con thích đọc sách thì người cha có thể tương đối yên tâm về cuộc đời, về con đường đi trong cuộc đời của nó."

Nghe có vẻ nghịch lý?

Ngày xưa đơn sơ, bảo ban nhau dễ hơn, con người có thể gặp gỡ nhau nói chuyện rất dễ dàng, nhưng bây giờ từng người trong gia đình nói chuyện với nhau đã rất khó. Vợ chồng cũng còn khó nói chuyện với nhau, bố mẹ rất khó nói chuyện với con cái... Khi xã hội phát triển, internet, các phương tiện... tưởng như con người gần gũi nhưng lại rất khó đối thoại với nhau. Hơi một chút tự ái, hơi một chút xúc phạm là sừng sộ lên ngay, bố nói với con, có khi nó còn trừng mắt lên.

Trẻ con giờ khiếp lắm, nhiều cái mình vừa mới nói nửa câu nó đã hiểu gấp 10. Nó lên Google gõ thì ra hàng đống thông tin, mình bì thế nào được. Xã hội phát triển nhanh đưa lại nhiều cơ hội, nhiều cái tốt cho con người nhưng cũng kéo theo những cái kinh khủng khác.

Đừng chê văn hóa đọc của Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm, ông lên Tây Bắc dạy học. Năm 1987, truyện ngắn "Tướng về hưu" được xuất bản đã đưa ông trở thành hiện tượng của văn học Việt Nam. Ông có viết kịch, tiểu thuyết, bút ký, phê bình văn học... nhưng đặc biệt thành công ở mảng truyện ngắn. Những truyện: Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê... đã gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước.
Như vậy phát triển chính là nguyên nhân của sự gia tăng tội phạm?

Phát triển thì cái mặt tốt cũng có, mặt xấu cũng có, hay cũng có, dở cũng có. Chúng ta đã lựa chọn thế này thì phải chấp nhận cả cái được và cái mất của nó.

Tôi thấy, đám trẻ ngày nay hơi tí là kêu khổ. Đã ăn thua gì, còn khổ nữa, còn vất vả nữa, còn trầm luân nữa. Trong đạo Phật có Tứ diệu đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Phải nhìn ra nỗi khổ, luyện tập chịu được nó, tiêu diệt rồi lúc đó mới đắc đạo. Không làm sao khác được.

Tức là chúng ta chưa có sự chuẩn bị để đón nhận những mặt trái của sự phát triển?

Việt Nam ta từ xưa tới nay vẫn là xứ sở nông nghiệp lạc hậu hiền lành ít va chạm, bây giờ toàn cầu hóa, nhiều thứ ùa vào là bị choáng. Mình có được trang bị đâu. Ví dụ như dùng cái máy giặt thì chỉ biết làm theo hướng dẫn chứ có hiểu nó ra sao đâu. Ở nông thôn thì bán đất mua xe máy, mua ô tô nhưng có biết luật giao thông gì đâu.

Từ xã hội lạc hậu tiến lên phải dần từng bước nếu không thì rất nguy. Nông dân bị lấy đất, đền bù tiền, nếu nhiều còn đầu tư vào làm ăn, chứ ít thì chỉ đủ để xây nhà, mua xe, rồi thanh niên không có việc làm, trình độ không có, suốt ngày đánh bạc, lô đề, sẽ sinh ra những thằng như thằng Luyện. Đám nửa ông nửa thằng đó rất nhiều.

Nhiều vấn đề thế sao lâu nay ông không viết nữa?

Tôi già rồi, 62 tuổi rồi. Sự nghiệp của tôi thế là đã xong rồi, không nên bàn nữa.

Người ta cứ phê phán văn hoá đọc của người Việt Nam, nhưng tôi thấy những cuốn sách hay của nước ngoài, những tác giả như Murakami của Nhật Bản vẫn được đọc rất nhiều ở Việt Nam.

Tôi không tin là đọc nhiều. Nếu tìm hiểu sâu thì thấy nhiều người chỉ giả vờ đọc. Còn đọc thực sự nó khác. Người nào đọc được sách họ sống rất khác. Cái tính chất tự tu dưỡng của việc đọc sách rất cao. Nếu có đứa con thích đọc sách thì người cha có thể tương đối yên tâm về cuộc đời, về con đường đi trong cuộc đời của nó.

Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khoẻ. Hy vọng trong thời gian tới đây bạn đọc lại được đón nhận những tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Theo KH&ĐS

Đọc thêm