Críp críp.. . Clo clo...Klíu klíu... Tuýt tuýt..
Ông Biền giật mình thức giấc. Ồ, thế hóa ra ông đang ở trong ngôi nhà của mình và thức tỉnh vì khúc nhạc chim mỗi sớm mai? Nghe nói, ở Đài phát thanh quốc nội nước Thuỵ Điển, người ta dựng tín hiệu mở đầu một ngày mới bằng một tiếng chim hót, một tiếng chim hót tùy theo mỗi mùa. Nếu vậy thì cũng có thể coi bầy chim cảnh trong ngõ phố nơi ông Biền đang sinh sống đã nổi khúc nhạc sớm mai để đánh thức mọi người.
Những con chim cảnh ở ngõ phố này cũng đi ngủ khi đêm buông, nhưng chúng có thói quen dậy sớm. Dậy sớm hơn con người, kể cả những bà bán hàng quà và các em bán bánh mì rong. Thức dậy sớm nhất sau con hoạ mi của ông Lương cán bộ công đoàn từ quãng bốn giờ sáng là con sơn ca nhà bà Tần bán bánh cuốn nổi tiếng vì tiếng hót sành điệu. Và sau đó là con khiếu mun nhà cụ Mai giáo viên hưu trí có tài bắt chước đủ các giọng điệu, từ tiếng hát của ca sĩ Robe Tinô, tới tiếng chuông điện thoại và quái quỷ, cả giọng mèo kêu, chó sủa, gió reo nữa.
Xem ra thì tiếng chim sớm mai ở khu phố này quả là một dàn ca nhạc đủ các bè trầm bổng tầm cỡ đáng gọi là giao hưởng thật. Thì đấy, trong khi con sáo mỏ vàng nhà ông Tôn líu lo thì con yến xanh nhà chú Bao cất giọng non nỉ. Con chào mào nhà bác Thu giọng líu ta líu tíu như giọng ca sĩ nhí thì lũ “chích choè học dốt có chuôi, bởi chưng nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ” nhà cô Hoa lại có kiểu hót cót két như tiếng xa chỉ quay. Mỗi con một vóc hình, một sắc màu mà sắc màu, vóc hình nào cũng ưa nhìn, cũng đẹp.
Nho nhỏ là chim yến lông xanh pha vàng mượt mà. Nhỏ nữa là chim khuyên mắt hai vành, xanh màu lá mạ. To nhất đám, lông màu hồng như mây trời lúc rạng đông là chim cu gáy. Làng nhàng thì đã có chào mào nghênh ngáo dựng bờm trên chóp. Sáo đen kẻ vạch trắng hai bên cánh trông thật duyên dáng. Trong khi sặc sỡ như một gã đồng cô thì phải kể đến mấy con vẹt già mỏ đỏ lông xanh động tí lại vỗ cánh phàm phạp rất vô duyên nhưng lại sở hữu chất giọng lại khan rè vô cùng đặc sắc của ca sĩ Nam Mỹ.
Toàn là loại ca sĩ đáng nể trọng cả. Tất nhiên trong đó nhiều con có thể xếp hạng đẳng cấp ngôi sao trên sân khấu ca nhạc, biểu diễn theo cảm hứng xuất thần, không lương bổng, thù lao là chính giọng hát tiếng ca của mình.
***
Ông Biền thân thiết với các loài chim từ thời ấu thơ. Ôi cái thời chăn trâu đốt lửa ngoài đồng. Thế nào mà bên cạnh tuổi thơ nơi ruộng đồng ngày ngày lại không có chiếc lồng tre gài mấy bông thóc lúc nào cũng lích rích mấy gã sẻ đồng tham ăn nổi tiếng hay dăm chú chim ri quê kiểng mỏ to hơn người. Thôi thì còn thiếu gì! Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu bồ các. Bồ các lại là bác chim ri…
Tất nhiên cao giá nhất thì phải là hoạ mi, nhồng cưỡng, bạc má, hồng tước... Còn bình thường thì có thể kể cả ngày không hết. Nào hoành hoạch, mỏ chì, nào bạch khuyên, vàng ảnh vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo… Mỗi loài nó hót một kiểu. Sớm bửng thì tất nhiên đã có con họa mi dáng quả vả, mắt như có ánh lửa và cặp chân như của vũ nữ, chẳng khi nào chịu ở yên.
“Họa mi ai vẽ nên mi. Dáng thì mi đẹp hót thì mi hay”. Ôi tiếng hót của con hoạ mi trong vắt như tiếng vàng tiếng bạc nó khiến cậu bé Biền có lúc mê mẩn mà quên cả học bài. Nhưng cậu cứ yên tâm đi vì ngả chiều đã có con bìm bịp có tiếng kêu nhịp hai báo hiệu cho cậu biết, ngày đang đi về điểm tận, hãy dong trâu về nhà thôi. Còn dĩ nhiên là ban đêm thì đã có con cuốc cầm canh, nó khiến cậu thi thoảng lại rơi vào cơn khắc khoải vì giật mình tỉnh giấc. Ôi! Những com chim đồng quê. Niềm vui thời ấu thơ của cậu bé Biền!
***
Quých quých... cơ ly. Chíp chíp... chiu. Chíp chíp... chiu! Tu huýt! Tu huýt! Cúc cúc cúc… cu. Píu u… píu u..
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó cũng chính là tiếng chim. Nhưng lần này thì rõ là dàn âm thanh chim phong phú hơn nhiều những tiếng chim ông Biền đã từng nghe. Thì đó cũng là tiếng hót của đám sinh vật có cánh thanh sạch nhất thế gian, thôi, khác chăng đó là tiếng hót của những con chim rừng! Những con chim ở rừng! Những con chim rừng đang ríu ran trở về tổ sau một ngày đi kiếm ăn xa. Và vừa chao cánh liệng, chúng đã làm náo động cả không gian khu rừng già. Thế đó, có ai ngờ được rằng đàn chim rừng lại là dàn đồng ca nhiều bè, vừa huyên náo, vừa hài hòa lạ lùng đến thế. Nó khiến ông Biền phải tự hỏi mình, trên thế gian này có điều gì còn kỳ diệu hơn thế không!
Thú vị thật vì nằm bất động trong tâm thái tĩnh tại dưới bóng rừng già, lắng tai nghe một chút, ông Biền vẫn nhận ra, từng tiếng hót riêng biệt của mỗi loài chim. Líu lo ỏm tỏi trên vòm trám rậm kia là tiếng bầy sáo mỏ vàng đông cả trăm con. Trong khi đó, vót cao lên lanh lảnh là tiếng hót của bầy chích choè lửa đuôi xoè như con công mái. Còn mới trở về trên vòm cây mí rừng mùa này đơm từng chùm hoa màu hồng phấn là bọn thanh tước lông ve chai có tiếng hót líu lo trong vắt như tiếng lăn của những hạt thuỷ tinh.
Tuy vậy, đôi tai thẩm âm của ông vẫn nhận ra, chúng cũng không thể át được tiếng gù trầm trầm ấm áp ân tình của mấy con cu gáy cổ đeo hạt cườm, và bọn cà kiễng dẫu sao cũng vẫn là các bà phụ nữ ở nơi họp chợ lắm điều; chúng đậu trên những cành thành ngạch thưa lá, xương xẩu. Cũng vậy thôi, đối nghịch hẳn với chúng là tiếng hót của bọn khướu có chất giọng sang sảng, ngân vang.
Cạnh đó, bách thanh là một gã có tài khẩu thuật, đâu có chịu kém cạnh, gã bắt chước được cả tiếng của con họa mi, con chích chòe inh ỏi cả một góc rừng xanh rì bóng cây màng tang. Tất nhiên đông đảo hơn cả và làm nên nền một bè giọng nam cao là bọn chào mào choắt và chào mào ngô. Bọn này đến như một luồng gió. Nghênh nghênh cái chỏm lông trên chốc đầu, chúng vừa chí choé vừa nhún nhẩy trên những ngọn lau xù lông trắng bạc. Chào mào mặc áo màu nâu/ Cứ mùa ổi chín từ đâu bay về. Trong khi đó, về rừng muộn nhất là đàn ri đá mỏ to rõ lũ tham ăn, như một đám bụi, vòng vèo bay liệng hơn chục vòng trên đỉnh đồi, rồi mới chịu đáp xuống.
***
Thế đấy, thật là một ân thưởng lạ lùng! Nhưng mà tại sao bỗng dưng ông Biền - Thiếu tá Công an - lúc này lại đang được thưởng thức cuộc trình tấu của dàn nhạc chim rừng nhỉ?
Chuyện có chút ly kỳ. Số là, ông Biền và anh hạ sỹ tên Muôn nhận nhiệm vụ đi truy bắt một tên tội phạm. Tội phạm này tên là Lệnh Văn Thà. Y mắc tội trộm cắp, bị kết án 5 năm tù, nhưng trốn chui trốn lủi đã 2 năm. Giờ, do sự thúc ép của gia đình, y xin ra đầu thú. Hai thầy trò ông Biền sau ba ngày đi đường đến ngôi làng nọ, nơi tội phạm Thà đang cư trú lúc năm giờ sáng.
Kế hoạch vây bắt Thà đã được đặt ra thật kỹ lưỡng. Thiếu tá Biền là một sĩ quan Công an dạn dày kinh nghiệm. Đánh giá ông, cấp trên nhận xét, đây là một cán bộ trong công tác thì chắc chắn thận trọng, đi không bao giờ quá một bước chân, nói không bao giờ thừa một lời. Trong tính cách thì là một con người vừa nghiêm cẩn vừa khoáng hoạt, đã hùng dũng lại văn vẻ. Còn Muôn, chàng hạ sỹ hai mươi lăm tuổi, người Tày quê Cao Bằng là một thanh niên khỏe mạnh, chất phác và có ý thức kỷ luật cao.
Công việc truy bắt Thà theo dự tính sẽ không có trở ngại gì đáng kể. Tiếc thay, sự cố lại xảy ra ngoài ý muốn! Đó là vì thầy trò ông Biền vừa bước chân vào cổng làng nọ thì được tin ông thân sinh ra tội phạm Thà vừa quy tiên một ngày trước và hiện thời đám nhạc hiếu trong nhà tang chủ đang cất tiếng rền rĩ tiếc thương tiễn đưa ông cụ về Trời.
Tang lễ ông cụ Mách thân phụ tội phạm Lệnh Văn Thà theo phong tục còn hai ngày nữa mới đoạn. Không thể truy bắt Thà vào những ngày này. Hai ngày ngẫu nhiên như dôi ra trong nhật trình công tác. Ông Biền và anh hạ sĩ Muôn đành phải tìm chỗ nương thân. Một chỗ nương thân để chờ đợi và có thể tiếp tục dõi theo mỗi biến động của tội phạm Thà.
Cuối cùng thì khu rừng già sau nhà của Lệnh Văn Thà là nơi chọn lựa để ông Biền và hạ sỹ Muôn dùng là nơi tạm trú. Không khó gì để có một cái lán để ăn ngủ với hai người. Bi đông trà sâm bà vợ pha cho của ông Biền giúp họ đỡ khát được một hôm. Sau đó, họ phải uống nước suối do Muôn lần mò tìm được ngọn nguồn. Tuổi thơ nơi đồng rừng đã giúp Muôn tìm được sim, ổi, dâu da và hồng bì rừng để bổ sung thêm vào nguồn thực phẩm là mấy phong lương khô mang theo.
***
Hai ngày qua. Đúng kế hoạch, đợi cho lễ Tam nhật người quá cố xong, ông Biền và Muôn đến nhà Lệnh Văn Thà. Tội phạm Thà, phần bị gia đình thúc ép, nay cảm cái cách xử sự ân nghĩa cao cả của các chiến sỹ Công an, đã tự nguyện quy thuận công lý. Ông Biền và Muôn đưa Thà về nơi giam giữ rồi trở về đơn vị.
Thủ trưởng đơn vị và bạn bè xúm lại hỏi chuyện ông Biền. Câu hỏi đay đi đay lại là sống thế nào qua được hai ngày trời trong rừng? Ông Biền cười: Cũng bình thường như ở nhà thôi mà. Nhưng thôi để Muôn nói trước. Muôn gãi gáy, rồi ngập ngừng:
- Nói sai đừng cười nhé. Chim nó đánh thức tôi. Rồi nó ru tôi ngủ. Tôi ngủ trong tiếng chim rừng.
Ông Biền gật đầu:
- Muôn nói đúng! Con người cần chim như cuộc sống cần ca hát. Nhưng không có con người thì các ca sĩ tài tử này hót cho ai nghe? Thành ra, hai ngày nghe chim rừng hót cho tôi cái cảm tưởng: Những tập đoàn sinh vật lông vũ có biệt tài bay lượn và có thứ ngôn ngữ đa thanh giàu có nhất thế gian này, dưới sự sai khiến của các đấng thần linh tối cao, đã tự nguyện và vô cùng hào hứng mở cuộc trình tấu để cho chúng tôi thấy được một diệu cảnh tưng bừng ở giới tự nhiên cùng một trạng thái cao cấp của sự sinh tồn trên thế gian này. Được ru trong nguồn ánh sáng, âm thanh thần tiên của chúng, chúng tôi nhận ra rằng: Chúng ta cùng với muôn loài đều là những kẻ thiện nguyện cùng đồng hành trong một cuộc sống chung còn rất nhọc nhằn nhưng tất nhiên là còn tràn trề hy vọng.
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng