1 bài hát 5 trang giấy
Hàn Vũ Linh tên thật là Đặng Vũ Cảnh Linh, sinh năm 1974. Anh sinh ra trong một gia đình trí thức, là cháu đích tôn của GS Vũ Khiêu (Đặng Vũ Khiêu), là con trai duy nhất của 2 nhà khoa học GS Đặng Cảnh Khanh và GS Lê Thị Quý.
Hiện tại, anh đang công tác tại Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Anh từng tham gia viết và làm chủ biên 20 đầu sách về văn hóa, xã hội, xuất bản tập thơ riêng. Hàn Vũ Linh đến với âm nhạc từ năm 2000 trong thời gian anh đi du học tại Thái Lan.
Mặc dù là một nhà khoa học nhưng Hàn Vũ Linh tự nhận mình là người sống theo cảm xúc rất nhiều. Vì thế, những sáng tác của anh thường mang tính ngẫu hứng, được anh viết theo bối cảnh quanh mình. Đặc biệt, Hàn Vũ Linh cho biết anh thích viết về tình yêu, nhất là tình yêu của những người trẻ tuổi.
Làm thơ từ năm 17 tuổi, Hàn Vũ Linh vốn là người yêu chữ nghĩa, anh cũng luôn có tâm trạng của người thi sĩ lang thang đây đó, viết lách tùy hứng, chịu sự chi phối của cảm xúc bản thân nhiều hơn bối cảnh thực tế, nhưng cũng chính bối cảnh là luôn tạo nên những cảm xúc viết lách kỳ lạ trong tâm hồn anh.
18 năm sáng tác, Linh có khoảng 70-80 ca khúc nhưng công bố mới 3 album: “Hàn Vũ Linh - Tia nắng đêm”, “Cơn mê trong nắng vàng”, “Ô cửa mưa ngày dài”. Với cách viết ngẫu hứng của Linh thì âm nhạc đến bất thường. Bài hát “Anh viết tên em mùa đông” trong album “Tia nắng đêm”, có lượt bình chọn cao nhất của khán giả và lọt vào liveshow “Bài hát yêu thích” năm 2014 trên VTV3...
Năm 2013 anh gặp ca sĩ Hoàng Hải Đăng và nhạc sĩ Yên Lam. Ngay từ lần đầu tiên, Hoàng Hải Đăng đã rất thích những ca khúc của anh và nhận lời thể hiện tất cả các tác phẩm của Hàn Vũ Linh, dù lúc đó Hoàng Hải Đăng là trưởng nhóm Arita Band, rất khó có điều kiện hát Solo, còn nhạc sĩ Yên Lam đảm nhiệm vai trò phối khí.
Vũ Linh không phải một người chuyên nghiệp, nhưng luôn khắt khe với chính tác phẩm của mình. Nhạc của Linh khó nhớ, vì viết ngẫu hứng, lại là người làm thơ chuyển sang nhạc, vì vậy, chữ rất cầu kì. Điều đặc biệt là, bài hát thường chỉ 1 trang giấy nhưng bài hát của anh lại dài tới 5-7 trang giấy.
Có nhạc sĩ “cây đa cây đề” bảo, bài của Vũ Linh có thể chia thành 5 bài độc lập. Có lúc viết được một bài hát ngẫu hứng ra luôn, có những bài nghĩ vài ba tháng không được. Có một bài Linh mượn tình yêu để nói về công việc, về ước mơ của mình bị dang dở. Đối với Linh, tình yêu không phải tất cả nhưng nó là góc nhìn để nói lên nhiều thứ khác. Nếu nghe kĩ các ca khúc của Vũ Linh sẽ hiểu, không phải ca khúc nào cũng chỉ nói về tình yêu.
Thông điệp anh luôn muốn truyền tải qua các ca khúc, đó là: “Trong cuộc sống, tình yêu, dù có nhiều khó khăn, bế tắc nhưng nếu chúng ta sống hết mình bằng tâm hồn, tình cảm thật thì sẽ có một ngày có một tia nắng đến với ta trong đêm”.
Liều nhưng có cơ sở
“Đêm Hàn Vũ Linh Concert” tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của nhiều ca sĩ như: Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hải Đăng, Thái Quang. Một trong những áp lực lớn nhất đó là Vũ Linh lần đầu tiên thực hiện liveshow. Linh lại làm ở một nơi gọi là thánh đường âm nhạc. Chỉ là một nhạc sĩ nhưng tổ chức một đêm nhạc phải dàn dựng, mời ca sĩ, lắp ghép ban nhạc... Vũ Linh đều phải tìm hiểu, học hỏi. Ekip thực hiện phải làm việc hai, ba giờ sáng suốt hàng tháng trời.
Trong chương trình, hai ca khúc mà Hàn Vũ Linh phổ thơ của hai bậc sinh thành ra mình là đặc biệt hơn cả. Đó là ca khúc “Âm điệu ngày xưa” phổ thơ của GS Đặng Cảnh Khanh và ca khúc “Đường về”, phổ thơ của GS Lê Thị Quý. Cả hai bài thơ đều nói về sự chia xa rồi tái hợp, có hậu như những câu chuyện cổ tích của dân gian.
“Tôi cũng thấy sự liều ở đây, nhưng có cơ sở. Vì nếu không có ekip, mọi người đặt danh dự của mình vào chương trình thì một mình tôi không làm được. Họ là những ban nhạc giỏi nhất, đạo diễn giỏi nhất đã đồng hành cùng tôi. Liveshow này là một động lực rất lớn cho tôi, như một cái cây được tưới nước” - nhạc sĩ Vũ Linh tâm sự. Lời thơ giản dị nhưng sâu sắc. “Đêm Hàn Vũ Linh Concert” 24 ca khúc chọn lọc được khán giả Hà Nội đón nhận nồng nhiệt.