Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến: 'Tôi chỉ nên là cậu bé trung du buồn'…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến không ngừng gây ngạc nhiên bởi sự đa tài. Anh vừa trở lại với văn chương bằng Hỗn độn và khu vườn, tập thơ dầy 268 trang in kèm các bức tranh màu nước chính anh vẽ…
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trong buổi ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn. (Ảnh: N.T)
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trong buổi ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn. (Ảnh: N.T)

Đã lâu không về thăm tháng Bảy

Nguyễn Vĩnh Tiến sinh năm 1974 tại Phú Thọ. Ở lĩnh vực kiến trúc, anh Nguyễn Vĩnh Tiến nguyên là trưởng khoa Kiến trúc Đại học Chu Văn An, và hiện vẫn đang tham gia các hoạt động về Kiến trúc và Quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.

Ở lĩnh vực âm nhạc, anh đã làm nên tên tuổi từ rất sớm với giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc Bà tôi nổi tiếng. Là một nhà thơ, anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Anh sáng lập nhóm thơ Hoa lạ năm 1992. Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến không theo lẽ thường, vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng.

Dù kiến trúc sư là nghề nghiệp chính, anh nổi tiếng hơn với vai trò một nhạc sĩ. Sau bài hát Bà tôi gây sốt chưa từng có, Nguyễn Vĩnh Tiến giờ đây đã có một gia tài ca khúc, đồng thời là người sản xuất album cho nhiều ca sĩ lớn. Làm thơ với anh vì vậy giống như là một cuộc chơi cá nhân, anh thường xuyên có thơ chia sẻ trên trang cá nhân. Dẫu thơ với anh như “hơi thở”, anh đã làm từ năm 8 tuổi, và ai đã đọc thơ anh đều nhớ về những tìm kiếm, hài hước, chiêm nghiệm và ám ảnh.

Trước đó, anh đã từng chia sẻ: “ Tôi sinh ra ở Phú Thọ, lúc nhỏ tôi gắn bó với quê ngoại ở Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Tất cả những hình ảnh đình làng, cánh đồng, rơm rạ… của vùng Châu thổ sông Hồng đã ngấm vào trong tôi và luôn luôn là đề tài rộng lớn mà tôi thấy mình “bơi” mãi chưa thấy bờ. Đấy là lý do tôi viết những tác phẩm mang âm hưởng dân gian, nông thôn như: Ông tôi, Bà tôi, Mẹ tôi, Cha tôi, Giọt sương bay lên, Sông ơi đừng chảy, Cắt tiền duyên, Tiếng dế vườn khuya…”.

Hỗn độn và khu vườn vừa mới xuất bản trong mùa hè này dày 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn - Trầm cảm đô thị - Chàng thơ - Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ. Thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì? Và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Nhưng những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách dày dặn này chỉ là một phần trong vườn thơ suốt 5 thập kỷ của Nguyễn Vĩnh Tiến. Vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh.

Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi cô đơn bàng bạc. Chính vì thế đọc thơ anh người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết bài thơ chốt hạ độc đáo, hay những liên tưởng thú vị của một tâm hồn giàu có. Nguyễn Vĩnh Tiến như một chàng thơ đang đi băng băng trên một nẻo thơ riêng có, đôi khi dừng lại, tạt ngang, hoặc phóng vụt lên trước, khiến cho cuộc du ngoạn của người trong vườn thơ của anh quá đỗi tò mò.

Có hai “con người” hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội “Bố tôi Hoài Đức mẹ tôi Cẩm Khê”, nhớ nơi cắt rốn chôn rau của mình, vùng trung du Phú Thọ: “Tôi chỉ nên là/ Cậu bé trung du buồn/ Cặm cụi lớn/Để trôi về nguồn cơn...”. Con người nhà quê trìu mến với ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm…, và xót xa nghèn nghẹn với những phôi pha không thể nào chống đỡ. Trong khi đó con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng trong bản ngã của mình…

Và rồi, tập thơ khép lại với những vần điệu tinh khôi, những triết lý về lẽ sống ở đời, của một con người đầy từng trải. Nhưng đừng tin mọi sự sẽ dừng ở đấy, vì Nguyễn Vĩnh Tiến là một chàng thơ.

“Đã lâu không về thăm tháng Bảy/Thăm ngọn Thở dài ngang núi Âu lo /Sen lặng lẽ tàn /Người ló tiếng bi bô... /Đã lâu không về thôn Nội tâm /Mải lướt theo những thành quách ảo /Thôn Nội trời mưa ướt áo /Giọt mồ hôi tháng Sáu mặn và chua ... Đã lâu không nghe tiếng chuông Chùa /Mẹ có thường thắp hương và cầu khấn /Cầu cho son phấn /Rơi khỏi mặt người nhìn nhau /Cầu cho hoa cau /Vấn vít hồn chim mía... /Đã lâu không về thăm tháng Bảy /Tờ lịch âm /Vừa rụng /Nét cô hồn... /Tháng âm, cam chín, bưởi tròn /Chân về ngõ nhỏ tóc còn lưu hương...

Và nữa: “Cộng trừ nhân chia/Phép cộng thì sướng /Phép trừ thì đau /Phép nhân thì của phép màu /Phép chia thì của chuyến tàu rời ga /Đời là cõi tạm thôi mà /Uống canh Mạnh Bà thì hết cửu chương /Buồn buồn nhớ nhớ thương thương /Cả ba cộng lại bằng buông tay thiền /Tỉnh tỉnh cộng với điên điên /Bằng anh hùng mất thuyền quyên rã rời /Thôi ngồi chăm ngọn mùng tơi / Nấu canh giải độc, giữ lời sầu riêng”...

Những định mệnh không thể từ khước

Có thể nói, Nguyễn Vĩnh Tiến kiếm tiền từ nghề kiến trúc sư, làm thơ như đam mê và viết nhạc như định mệnh không thể khước từ... Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ, theo quy luật phát triển, mỗi cá nhân sẽ để lại dấu ấn riêng và có thang điểm riêng theo từng giai đoạn. Là một kiến trúc sư, dù góp phần xây dựng bao nhiêu tòa nhà, những kiến trúc ấy vẫn dần cũ đi, được thay thế bởi nhiều tòa nhà mới hiện đại hơn.

Trong lĩnh vực âm nhạc, thành công của anh xuất phát và gắn liền với dòng nhạc dân gian đương đại, nhưng rồi dòng nhạc này sẽ lại biến hóa thành các loại hình mới. “Vì vậy, tôi không tự hào gì với những thứ đã làm, chỉ thích được vượt lên chính mình. Với người nghệ sĩ, ngọn lửa sáng tạo bên trong luôn cháy giúp họ không đi vào lối mòn. Làm nhạc cũng vậy, mỗi khi bước ra khỏi phòng thu, tôi tâm niệm sẽ không quay lại cung đường cũ để “lột xác” thành một Nguyễn Vĩnh Tiến mới. Dù sáng tạo trong lĩnh vực nào, con người không nên chỉ dậm chân tại chỗ, mà phải dấn thân lên “con tàu” thời gian tìm bến đỗ mới. Và thời gian sẽ trở thành bộ lọc, một “quan tòa vô hình” cho những sáng tạo của chúng ta.".

“Người Pháp vẫn thường nói: C’est la vie (Đời là thế), ý nói rằng cuộc đời vốn dĩ khó khăn nên chúng ta hãy chấp nhận và vượt qua nó. Nếu chưa từng trải qua những đổ vỡ, bạn sẽ không thể trở thành một con người khác. Khi ngồi trên chuyến tàu thời gian, ai rồi cũng phải đi qua các bến đỗ khác nhau. Trong cuộc sống, mỗi người có số phận khác nhau nên tôi cũng không còn băn khoăn nhiều về hạnh phúc bản thân, không so bì với người khác và không tiếc nuối.

Một trong những động lực lớn nhất để một con người có thể bước tiếp chính là gia đình, tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ cần xác định được điều đó, không gì có thể khiến bản thân suy sụp, họa chăng chỉ lúc cận kề cửa tử con người mới mất hết động lực ngày, sản vật của giác quan, tình yêu và những thúng ghen tuông, rồi những trật tự mới, logic mới. Hỗn độn, cuối cùng, chính là khu vườn thiên nhiên nhất, nguyên sơ nhất của tự nhiên. Còn con người hoá ra lại rất bé bỏng và vẫn đang nỗ lực trở lại khu vườn”. (trích Diễn ngôn Thơ trong ngày ra mắt Hỗn độn và khu vườn của Nguyễn Vĩnh Tiến)…”, Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ.

“Khi tôi sáng tác, tất cả những con người trong tôi: kiến trúc sư, nhạc sĩ... đều hoà trộn vào khoảnh khắc ấy và thể hiện ra từng lời thơ. Âm nhạc cũng vậy, chất thơ ẩn giấu trong từng lời, do vậy mà từ lời thơ lại có thể biến thành một bài nhạc. Ngược lại, với kiến trúc cũng tương tự, là một không gian đầy chất thơ và lãng mạn, phải được tạo ra từ một “con người kiến trúc”.

Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu bày tỏ: “Tôi dõi theo và cảm thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến bắt đầu từ trước khi anh ra mắt tập Những bình minh khác (NXB Hội nhà văn, 2001). Khi đọc những tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi cảm giác anh là người có khả năng tách bản thân khỏi sự vật, nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Và trong thế giới tuổi thơ ấy, có chú bé trung du rất đặc biệt. Dù tác giả có đi đâu, có rơi vào trầm cảm nơi phố thị... mặc cho mọi sự hỗn độn, hình ảnh chú bé trung du đó giống như một hằng số trong thơ anh”.

Theo nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Vĩnh Tiến đến với thơ từ năm 8 tuổi, và hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc - văn chương - âm nhạc, với một sức viết mạnh mẽ rất mực, tài hoa rất mực. Đó là người của những chuyến viễn du, nhưng lại không bao giờ quên mang theo chiếc vali nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở.

Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi -người kiến trúc chữ- cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hoà lẫn vào màu kia tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc. Ngay cả những vụng về, khiếm khuyết trong nét vẩy của cây cọ vẽ, lại thành một hiệu ứng lạ kỳ khiến ta nhận ra những “vết khuyết” của bức tranh chữ. Vết khuyết có sao đâu. Vết khuyết của cuộc đời có khi lại cần Thơ lấp đầy... Chữ lúc rơi lộp độp như mưa rào, như nước mắt tức tưởi trước những thứ ta không ngờ và tưởng chừng không chịu nổi trong cuộc sống của kẻ viễn du...”.

Với Nguyễn Vĩnh Tiến, năm thập kỷ thơ ca là những khuôn mặt thân quen gắn bó, từ bố mẹ, ông bà, con cái, tới bạn bè, tới nàng thơ, chàng thơ, từng kỷ vật, kỷ niệm thân quen. Một chiếc roi tre, một cánh chuồn chuồn, một con tàu chạy lên miền trung du, một cái kim mẹ giữ, chậu hoa bố trồng…

Từ thị xã Phú Thọ tới thủ đô Paris, Nguyễn Vĩnh Tiến cứ thênh thênh thang thang rong chơi, rồi ghi dấu vào cuộc đời mình bằng thơ ca như thế. Một tuyển tập thơ khiến người đọc dường như choáng ngợp trước hành trang sống dày hơn cả một kiếp người...

Đọc thêm