Sáng qua (25/4), chủ trì phiên họp thứ 17 Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (BCĐ TƯ PCTN), Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong thời gian tới “phải nâng được khả năng phát hiện tham nhũng, tập trung vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, lo việc phòng ngừa tham nhũng bằng hoàn thiện thể chế và tăng cường sự giám sát của nhân dân”.
Phát hiện “con voi”, thu về “con kiến”
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh “kết tội” việc chỉ thu hồi là do thiếu qui định về trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra (được giao cho cơ quan chủ quản của đối tượng bị thanh tra), cùng với thiếu chế tài và bộ máy thực hiện kết luận thanh tra, trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra.
Trong tổng số 27 vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được BCĐ TƯ PCTN tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc xử lý thì có 01 vụ đã xét xử phúc thẩm (vụ Huỳnh Ngọc Sỹ), sơ thẩm 06 vụ, tòa án đang thụ lý 04 vụ, VKS thụ lý 05 vụ, cơ quan điều tra đang điều tra và điều tra bổ sung 08 vụ, đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra 04 vụ. |
Và dù Văn phòng BCĐ có công văn đốc thúc thực hiện kết luận thanh tra thì các chủ thể phải chấp hành vẫn cứ “ỳ” ra tại văn phòng BCĐ chưa có thực quyền.
Cái “thiếu” này đã khiến trong 4 năm (2008-2011), chỉ thu hồi được 8.000 tỷ đồng (tương đương 21% so với hơn 32.000 tỷ đồng bị phát hiện có sai phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, lĩnh vực đầu tư, hiệu quả thấp, nhầm đối tượng) và chưa đến 11% trong tổng hơn 33.000 ha đất sau thanh tra.
Các hành vi tham nhũng cũng ẩn chứa trong các vụ án kinh tế nổi lên thời gian qua như “chùm án” về ngân hàng, tín dụng, lừa đảo “sổ đỏ”… Theo Bộ Công an, nguyên nhân trực tiếp từ công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng đã có “sơ hở”, trong khi pháp luật còn thiếu nhiều qui định cần thiết.
Đặc biệt là thực tế “lương khối hành chính và dịch vụ công chưa đảm bảo” vì dù từ 1/5, lương cơ bản tăng lên 1.050.000 đồng, phụ cấp công vụ tăng lên 25% nhưng “vẫn chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tối thiểu của một người, làm sao không muốn tham nhũng?” khiến công tác PCTN đã phức tạp càng thêm khó.
Mấy nhiệm kỳ không xong một án tham nhũng
Qua 3 tháng thực hiện công tác PCTN, một trong số những hạn chế yếu kém và khó khăn trong công tác này được BCĐ TƯ PCTN thẳng thắn nhận định là tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm, kéo dài. “Có những vụ án để kéo dài đến mấy nhiệm kỳ. Không đảm bảo yêu cầu, tiến độ điều tra, xử lý vụ việc là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, mà án tham nhũng càng kéo dài càng sớm thành “đầu voi đuôi chuột” – Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình bức xúc.
Trong tổng số 30 vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng TƯ điều tra, xử lý đến nay vẫn còn 8 vụ án có khó khăn, vướng mắc, trong đó có vụ kéo dài từ 5-7 năm, mà vướng mắc chủ yếu là do công tác giám định tài chính, giám định chất lượng công trình, do kết luận điều tra chưa đạt… nên phải “trả đi trả lại”.
Sâu xa hơn, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình lo ngại: “Không loại trừ việc trả đi trả lại hồ sơ là có lồng động cơ khác hay có sự tranh chấp “quyền anh quyền tôi” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Do đó, theo gợi ý của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, cần thành lập cơ quan giám định đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực cần giám định nhưng mang tính chuyên môn cao như ngân hàng, tài chính… mới “đẩy” nhanh được tiến trình giải quyết án tham nhũng, “giảm sức nóng của dư luận trước tình trạng xử lý chậm chạp các vụ án tham nhũng”.
Báo cáo hoạt động quý I/2012, BCĐ TƯ PCTN chỉ ra thực trạng một số địa phương đã xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nhưng không có trường hợp nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; một phần là do không ít những vụ án, khi cơ quan, đơn vị phát hiện vụ việc tham nhũng lập tức “làm thủ tục cho thôi việc đối với những cá nhân bị nghi ngờ có liên quan”. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, không thể coi đó là hết trách nhiệm mà vẫn phải qui trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong vụ việc, vụ án tham nhũng đó.
Các thành viên BCĐ và đại biểu tham dự đều tán thành trong cuộc chiến PCTN cần phải đầu tư nhiều hơn vào các vụ án cụ thể, xử lý nghiêm, đúng thời hạn các vụ án tham nhũng, tập trung cho hoạt động chống tham nhũng với việc thành lập các BCĐ đối với những vụ án cụ thể, xây dựng bộ máy đủ mạnh, đảm bảo cán bộ, công chức có mức lương hợp lý để “không cần tham nhũng”, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và giáo dục về PCTN trong nhà trường để “dần thẩm thấu ra xã hội” trở thành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu, lâu dài…
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo: - Tiếp tục duy trì sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị về PCTN, quán triệt sâu sắc về trách nhiệm cao hơn của cấp ủy chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện các giải pháp PCTN. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong phát hiện, PCTN. Tập trung vào công tác phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng thông qua thanh, kiểm tra những nơi nhạy cảm và xử lý kết luận thanh tra “đến nơi đến chốn”. Chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân nên BCĐ phải làm nghiêm túc, tập trung chỉ đạo điều tra có kết luận rõ ràng, khẩn trương các vụ án, vụ việc tham nhũng. Lo việc phòng ngừa bằng hoàn thiện thể chế về quản lý đất đai, khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quan hệ với dân, quản lý DNNN… Tăng cường giám sát của nhân dân, Quốc hội, các đoàn thể theo cơ chế đã được nêu trong Nghị quyết TƯ 3... * Ông Phạm Anh Tuấn -Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ TƯ PCTN: - Hiện việc thực hiện qui định về kê khai tài sản, thu nhập còn chậm. Đến nay mới có 8 địa phương báo cáo hoàn thành kê khai năm 2011. Góp phần PCTN, cần tăng cường tính thực chất của kê khai tài sản, qua việc yêu cầu giải trình và làm rõ nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Dự kiến, trong năm 2012, BCĐ sẽ thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra, giám sát liên ngành: việc thanh các các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; việc tố tụng các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà BCĐ về PCTN theo dõi, đôn đốc; các vụ án tham nhũng do các cơ quan tố tụng địa phương thực hiện, nhất là những vụ được dư luận quan tâm. Từ năm 2013, hoạt động kiểm tra, giám sát này sẽ được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. |
Huy Anh