Nhận diện rào cản doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa công bố cho thấy, năm 2022 tỷ lệ doanh nghiệp (DN) tư nhân đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn là 17,8%, trong khi con số này vào năm 2021 là 35,7%.
Doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận tín dụng. (Ảnh minh hoạ)
Doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận tín dụng. (Ảnh minh hoạ)

Khó vì yêu cầu tài sản thế chấp

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Dự án PCI, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy trong các khó khăn mà DN đang gặp phải, khó khăn lớn nhất là tiếp cận tín dụng.

Cụ thể, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% DN, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Tỷ lệ DN tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ DN có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%, đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ DN có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% DN đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ DN đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021 và đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.

“Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các DN khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, song các DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Trong đó, với nhóm các DN có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ DN đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ DN đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm DN quy mô vốn 10 - 20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ DN đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25 - 35%” - ông Tuấn chia sẻ.

Kết quả khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy, trở ngại lớn nhất là việc “DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp” (79,4%); Tiếp đến là một loạt khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022 như: “Các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN tư nhân” (58,7% - tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “Thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng “DN phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%) và “Cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của DN” (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).

Ít doanh nghiệp hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất

Năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho DN là gói hỗ trợ lãi suất (HTLS). Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đưa ra biện pháp HTLS 2% tối đa 40 nghìn tỷ cho các DN thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP1 quy định chi tiết về việc sử dụng ngân sách nhà nước để HTLS cho DN.

Nhiều DN rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Thế nhưng, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 29,5% DN có biết tới chương trình này, song chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình HTLS 2%.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây. Đáng lưu ý, có tới 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này.

Thực tế, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, có 74,8% DN cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các DN khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói HTLS 2%. Bên cạnh đó, cũng có đến 12,3% DN phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% DN cho biết, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% DN gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói HTLS 2%…

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 do VCCI công bố trước đó chỉ ra nguyên nhân DN khó tiếp cận gói HTLS này là do Nghị định 31/2022/NĐ-CP có quy định không rõ ràng. Điều 3 của Nghị định này đưa ra nguyên tắc HTLS là “khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại”.

“Quy định này còn chung chung, định tính, khiến nhiều ngân hàng e ngại nếu thực hiện HTLS xong sau đó không được ngân sách nhà nước quyết toán hoặc bị thanh tra, kiểm tra xác định là vi phạm. Ngoài ra, vấn đề thời gian quyết toán kéo dài, thủ tục quyết toán không rõ ràng, chặt chẽ cũng khiến nhiều ngân hàng thương mại lo ngại…” - Báo cáo phân tích.

Doanh nghiệp ngại vay vốn ưu đãi vì sợ thanh tra?

Tại Diễn đàn Tái định vị DN để phát triển bền vững do VCCI tổ chức hồi cuối tháng 3, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW cho rằng việc triển khai gói HTLS theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân là do thủ tục còn rườm rà, DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận HTLS và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng.

Theo bà Minh, việc tiếp cận vốn của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cũng khiến DN khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của DN.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo bị “siết tín dụng”

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hôm 13/4, Chủ tịch VASEP, bà Nguyễn Thị Thu Sắc phản ánh, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã nhận được thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5% (DN thủy sản thường vay USD). Hiện tại thì đều đang ở mức cao 4,2 - 4,9% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu.

Điểm quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến DN khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu (tôm, cá...) cho bà con nông - ngư dân trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm