Nhận diện sớm cán bộ thoái hóa, biến chất nhờ thu thập ý kiến người dân

(PLO) - “Thu thập từng ý kiến của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức, của bạn bè, người thân, cơ quan đơn vị của các đảng viên… để nắm được nhiều thông tin, nhiều ý kiến. Như vậy, tôi nghĩ việc biến chất, thoái hóa của cán bộ, đảng viên nếu có sẽ phát hiện sớm được”- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – khẳng định.
Thu thập ý kiến người dân giúp sớm nhận diện cán bộ thoái hóa, biến chất.

Cán bộ chiến lược cần gương mẫu đầu tàu 

Theo Kế hoạch, trong tháng 11 này, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là khâu tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong quy hoạch cán bộ để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 12 sắp tới. 

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, cán bộ cấp chiến lược ngoài những phẩm chất, tiêu chuẩn cần thiết đã được nêu rất cụ thể trong các quy định của Đảng thì phải có phẩm chất, đạo đức tiêu biểu; có năng lực, có trình độ, đặc biệt là phải có uy tín, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ.

Cán bộ cấp chiến lược phải có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; có quan điểm rất rõ ràng, cụ thể; trung thành với Đảng, trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, chống lại những âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Một tiêu chuẩn nữa là họ phải có tinh thần trách nhiệm, phải thể hiện sự gương mẫu và có khả năng hiệu triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, ở họ cần phải có sự gương mẫu đầu tàu trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước hiện nay; phải đi đầu trong mọi mặt công tác, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, công tâm khách quan khi xử lý mọi công việc; không bè phái, không lợi ích nhóm để làm lợi kinh tế của gia đình mình…. 

Thừa nhận việc nhận diện những cán bộ lãnh đạo có phẩm chất xấu là “vô cùng khó khăn” nhưng ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không phải vì khó khăn mà không làm được, không nhận diện được. “Có nhiều cách để nhận diện... Tôi muốn nói ở đây là cuộc sống của gia đình cán bộ lãnh đạo đó. Chúng ta có thể quan sát xem cán bộ đó có cuộc sống xa hoa, trụy lạc hay không; có được quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên trong cơ quan đơn vị tín nhiệm không?”- ông Hòa nêu dẫn chứng. 

Thu thập ý kiến nhiều chiều để phát hiện tiêu cực

Theo ông Phạm Văn Hòa, một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là bảng phân loại chất lượng đảng viên và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Bởi hiện nay, Đảng ta đã có chủ trương phân loại Đảng viên và công chức, viên chức nhiều chiều, nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực chứ không làm chưa cụ thể, chưa khách quan như trước kia. 

“Nếu nhìn vào cách sinh hoạt của mỗi cán bộ, đảng viên cũng có thể đánh giá đảng viên đó có trung thực, có khách quan, có đầu tàu, có gương mẫu, có lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực hay không. Phải thu thập từng ý kiến của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức, của bạn bè, người thân, cơ quan đơn vị của các đảng viên… để nắm được nhiều thông tin, nhiều ý kiến.

Như vậy, tôi nghĩ việc biến chất, thoái hóa của cán bộ, đảng viên nếu có sẽ phát hiện sớm được. Tất nhiên, cái nhìn nhận đó phải thực sự khách quan, nhiều chiều chứ không thể chỉ nghe một khía cạnh, một bên”- ông Hòa nhận định.

Nhấn mạnh việc quy hoạch là phải quy hoạch đúng người, đúng việc, bố trí công việc đúng chỗ, đúng sở trường và đúng năng lực trình độ của cán bộ đó, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, “người làm quy hoạch phải có năng lực, trình độ, phẩm chất, phải có đạo đức và phải thực sự trung thực và khách quan trong bố trí cán bộ.

Cán bộ làm tham mưu cũng rất quan trọng để tham mưu cho lãnh đạo quy hoạch. Cán bộ tham mưu cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn như cán bộ lãnh đạo công tác quy hoạch, nếu chúng ta quy hoạch một chiều, quy hoạch không khách quan, quy hoạch theo nhóm lợi ích thì đây sẽ là sâu mọt, là vấn đề hết sức nguy hiểm. Khi đó, những cán bộ được bố trí sau khi hoạt động sẽ phát sinh tiêu cực. Đó là điều hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch của Đảng và Nhà nước”. 

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ cấp chiến lược cần có đủ 3 yếu tố: phẩm chất, năng lực và sức khỏe. Khi đã quy hoạch rồi nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn thì vẫn có thể bỏ ra ngoài quy hoạch. Nhưng người không có quy hoạch cũng vẫn có thể đưa vào vị trí xứng đáng nếu giỏi, tâm huyết, trung thành với chế độ, trung thành với Đảng; là những người dám nói, dám làm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh: “Việc phải lấy ý kiến của người dân để đánh giá những cán bộ đưa vào diện quy hoạch. Cần lưu ý đến việc giám sát của người dân, của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc để chúng ta lựa chọn cán bộ.

Đó là cán bộ của dân thì phải để người dân tham gia góp ý kiến, người dân biết rằng đó là con người tốt thì người ta sẽ giới thiệu cho Đảng, còn người ta biết đó là người xấu thì người ta sẽ có quyền kiến nghị với các cơ quan Đảng để Đảng có thể đưa ra ngoài. Bây giờ chúng ta cũng đã có quy định về nêu gương rồi, những người nào thấy không xứng đáng tốt nhất nên ra khỏi bộ máy!”

Đọc thêm