Nhan sắc Việt tiến sâu đấu trường quốc tế chỉ nhờ khán giả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Đỗ Thị Hà hay trước đó là Nguyễn Trần Khánh Vân tiến sâu ở cuộc thi Miss World, Miss Universe bằng giải liên quan đến khán giả luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Một khoảnh khắc trên sân khấu được nói trước đám đông, trước ống kính máy quay rất có giá trị
Một khoảnh khắc trên sân khấu được nói trước đám đông, trước ống kính máy quay rất có giá trị

Cuộc thi Hoa hậu thế giới 2021 (Miss World) vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về người đẹp Ba Lan Karolina Bielawska. Đại diện Việt Nam là Đỗ Thị Hà dừng chân ở top 13 nhờ thắng hạng mục phụ Truyền thông trực tuyến. Đây là phần thi dành riêng cho Top 40 thí sinh trở lại Puerto Rico sau khi lần chung kết đầu tiên bị hoãn lại cuối năm 2021.

Mỗi thí sinh có một link website để tự thiết kế và cập nhật hình ảnh, thông tin, video... của bản thân để gây ấn tượng với giám khảo. Tiêu chí lựa ra người chiến thắng dựa trên sự độc đáo, chất lượng nội dung các bài đăng, khả năng quảng bá trang web trên truyền thông, mạng xã hội, đồng thời thể hiện được kiến trúc, lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của Puerto Rico.

Vì thắng hạng mục liên quan đến fan nên Đỗ Thị Hà đã nhận nhiều lời chê bai về việc tiến sâu không nhờ thực lực và bị so sánh với đàn chị trước đó lọt vào top 12 cuộc thi Hoa hậu thế giới 2019.

Trước Đỗ Thị Hà, người đẹp Nguyễn Trần Khánh Vân lọt vào top 21 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2020 (Miss Universe) nhờ sở hữu lượng bình chọn khán giả nhiều nhất cũng bị chỉ trích thắng không bằng thực lực.

Người đẹp Lan Khuê còn từng bị đồng nghiệp “đá đểu” là Miss 10+1 vì cô lọt vào top 11 cuộc thi Miss World 2015 nhờ có lượng bình chọn khán giả nhiều nhất.

Lan Khuê cũng từng bị mỉa mai là Miss 10+1

Lan Khuê cũng từng bị mỉa mai là Miss 10+1

Có thể nói ít quốc gia nào mà các cuộc thi nhan sắc được người dân quan tâm nhiều như Việt Nam. Mỗi lần Việt Nam có đại diện tham gia các cuộc thi sắc đẹp lớn là công chúng hăm hở bàn tán, tranh luận, kêu gọi nhau bình chọn. Nhưng mỗi khi có người đẹp nào tiến vào vòng cuối nhờ giải thưởng liên quan đến khán giả thì nhiều khán giả lại có tâm lý cho rằng chiến thắng đó chẳng có gì đáng tự hào. Miss 20+1, Miss 10+1, vé chót… là những cụm từ đầy mỉa mai dành cho các người đẹp. Nghịch lý xấu xí này diễn ra lâu nay.

Không như nhiều cường quốc sắc đẹp khác, các đại diện đi thi được đào tạo từ trong trứng nước, những người đẹp Việt đem chuông đi đánh xứ người chỉ là những thí sinh tốt nhất của một cuộc thi nhan sắc. Thời gian tập luyện để tranh tài không bao lâu nên khi đọ sắc, khó tránh khỏi sự thua kém.

Tuy nhiên có thể thấy, bất cứ chân dài nào lên đường cũng đã ý thức, nỗ lực rất nhiều để làm rạng danh hai chữ Việt Nam. Đáp lại, những người hâm mộ cũng đã giúp các người đẹp có cơ hội tỏa sáng bằng tấm vé bình chọn. Thậm chí Nguyễn Trần Khánh Vân còn đi vào lịch sử Miss Universe với thành tích là người có bình chọn cao nhất.

Điều đó cho thấy những nàng hậu xứng đáng với tình cảm của công chúng dành cho. Thế nên việc chiến thắng nhờ bình chọn của khán giả có gì không đáng tự hào?

Trở lại trường hợp của Đỗ Thị Hà, việc cô thắng giải phụ Truyền thông trực tuyến và việc có 13 thí sinh vào top 12 là do hai người đẹp của Indonesia và Cote d’Ivoire đồng hạng, rõ ràng là một chiến thắng chân dài gốc Thanh Hóa đạt được bằng thực lực.

Khi chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các cô gái khác ở các phần thi nhưng nhờ những chiếc vé của khán giả mà nhan sắc Việt có được cơ hội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ trước khán giả quốc tế, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng còn hơn chẳng để lại dấu ấn gì trên sân khấu.

Chưa kể khoảnh khắc đó cực kỳ có giá trị trước ống kính máy quay vì đã góp phần làm cho nhan sắc Việt Nam thăng hạng, nhận được sự chú ý ở những mùa sau.

Có lẽ đây là điều đáng để tự hào hơn là tìm lý do để mỉa mai.

Đọc thêm