Một trong những định hướng cơ bản về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị là “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp (trong đó có Toà án) phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp…”. Tuy nhiên, nhìn lại tổ chức của hệ thống Toà án cho thấy hiện còn nhiều bất cập mà nguyên nhân phát sinh từ những quy định của pháp luật hiện hành.
Cần rút gọn Hội đồng tuyển chọn
Theo báo cáo của TANDTC tại thời điểm năm 2009, đội ngũ thẩm phán ngành TAND là 4.359 người, trong đó cơ bản có trình độ Đại học, một số trên ĐH (chủ yếu tập trung ở TANDTC). Theo đánh giá, chất lượng đội ngũ thẩm phán thời gian qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ, có những bước tiến vượt bậc, thể hiện rõ nét nhất ở năng lực xét xử các vụ án.
|
Nhân sự cho ngành Tòa án đang là mối quan tâm của quá trình cải cách tư pháp - Ảnh minh họa |
Thống kê cho thấy, từ 2002 tới nay, bình quân mỗi năm ngành Toà án thụ lý và giải quyết trên 200 ngàn vụ án các loại. Tỷ lệ giải quyết án nhiều năm liền đạt con số 97%. Về cơ bản, TANDTC đánh giá, đã khắc phục tình trạng án tồn đọng quá hạn luật định, tỷ lệ cải, sửa, huỷ án cũng đã giảm hơn so với trước. Trong 3 năm liên tiếp (2005,2006,2007) chưa có trường hợp nào toà án kết án oan người không có tội.
Tuy nhiên, TANDTC cũng thừa nhận tình trạng thiếu thẩm phán và một bộ phận cán bộ thẩm phán yếu về trình độ, năng lực chuyên môn “một vấn đề đã tồn tại nhiều năm mà chưa giải quyết được”
Những vấn đề cụ thể trực tiếp liên quan đến đội ngũ thẩm phán hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm Toà án nhân dân. Tuy nhiên, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập, ngay từ khâu tuyển chọn. Theo quy định, Hội đồng tuyển chọn thẩm phán TANDTC gồm Chánh án TANDTC làm chủ tịch, đại diện các Bộ: Quốc Phòng, Nội vụ, UBTWMTTQVN, Ban chấp hành TW Hội Luật gia VN là uỷ viên.
Tương tự là quy định cho các thành phần trong Hội đồng tuyển chọn thẩm phán của Toà án quân sự và các TAND cấp tỉnh, huyện.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định về thành phần như vậy là rất rườm rà, không cần thiết, cần được rút gọn và cần tăng cường thành viên là những thẩm phán giỏi, có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm công tác và uy tín…Như vậy, thì việc tuyển chọn mới thực sự lựa chọn được những thẩm phán đáp ứng nhu cầu công tác.
Cơ cấu thẩm phán: không hợp lý.
Theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, Thẩm phán TAND gồm có: Thẩm phán TANDTC; Thẩm phán TAND cấp tỉnh bao gồm Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thẩm phán TAND cấp huyện bao gồm Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Quy định bậc thẩm phán theo cấp hành chính như vậy, theo Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình khiến cho ngành Toà án gặp nhiều khó khăn.
Thực tế vấn đề này hiện nay cho thấy, nhiều vụ án thuộc thẩm quyền cấp huyện (đặc biệt khi các Toà án huyện đã được tăng thẩm quyền theo Nghị quyết của UBTVQH) nhưng do năng lực của đội ngũ thẩm phán, hoặc những nguyên nhân khác, Toà án cấp huyện rất cần những thẩm phán có trình độ cao hơn. Trong khi việc điều chuyển thẩm phán từ tỉnh xuống huyện hiện rất khó khăn thì việc quy định theo hướng chia ngạch thẩm phán và cơ cấu lại đội ngũ này là vấn đề bức thiết.
Cũng theo Chánh án Trương Hoà Bình, cơ cấu Thẩm phán ở mỗi cấp Tòa án cần theo hướng quy định 3 ngạch Thẩm phán và mỗi cấp Tòa án có một số ngạch Thẩm phán. Cụ thể: Ở TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp; ở TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có Thẩm phán trung cấp (có thể bố trí một số ít Thẩm phán sơ cấp làm nhiệm vụ trợ lý xét xử và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật); ở TANDTC có Thẩm phán TANDTC (có thể bố trí một số ít Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp làm nhiệm vụ trợ lý xét xử và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật).
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định về cơ cấu thẩm phán ở mỗi cấp Toà án là cần thiết nhưng cần quy định về nhiệm vụ và việc bố trí công tác cũng như tiêu chuẩn với từng ngạch thẩm phán phải cụ thể, rõ ràng. Nếu không sẽ không có cơ sở để phân công công việc cũng như quy trách nhiệm đến từng cá nhân.
Kết.
Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của TAND là một trong những mục tiêu quan trọng được Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị chỉ rõ. Hiện nay, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức TAND cũng đang được đặt ra, tuy nhiên, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn về tổ chức bộ máy cho ngành Toà án, cần thiết phải sửa ngay những quy định nói trên.
Việt Hoà
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp; xác định đúng, đủ quyền năng và trách nhiệm pháp lý cho từng cơ quan, chức danh tư pháp. Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân, bảo đảm toà án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; phân định thẩm quyền xét xử của toà án sơ thẩm và toà án phúc thẩm phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử. Hoàn thiện cơ chế quản lý toà án nhân dân địa phương theo hướng bảo đảm tính độc lập giữa các cấp toà án trong hoạt động xét xử. (Trích Nghị quyết 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) |