Trước đây, VCCI nhiều lần cho rằng việc kiểm soát máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là rất cần thiết nếu là nhằm mục tiêu bảo đảm ngân sách Nhà nước được sử dụng hợp lý, hiệu quả (không dùng tiền ngân sách để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã không còn/còn ít giá trị sử dụng) và bảo đảm máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu khi sử dụng tại Việt Nam không gây ra các ảnh hưởng tới lợi ích công cộng (môi trường, an toàn, tính mạng sức khỏe người sử dụng…).
Tuy nhiên, VCCI cũng lưu ý rằng, nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nhiều trường hợp là cách thức rất hữu dụng để DN Việt Nam tận dụng công nghệ giá hợp lý từ nước ngoài (máy móc thiết bị dù chỉ qua sử dụng thời gian rất ngắn cũng có giá thấp hơn nhiều so với giá mua mới) trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, công nghệ dù là cũ (ở mức nhất định) với nước ngoài vẫn là rất mới, rất hiệu quả cho sản xuất trong nước. Đây cũng là cách thức để tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất của phần lớn các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam.
Trong lần góp ý Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, các chuyên gia, hiệp hội vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng bảo đảm sự kiểm soát hiệu quả đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng và sử dụng Ngân sách Nhà nước hiệu quả, nhưng không vượt quá các mục tiêu này, không cản trở việc sử dụng hiệu quả nguồn máy móc, thiết bị này của DN Việt Nam.
Trong đó, về tiêu chí đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (quy định tại Điều 6 Dự thảo), căn cứ để xác định dựa trên “tuổi thiết bị”. Đây là điều kiện không mới so với quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Trước đây, VCCI đã có ý kiến về sự bất hợp lý và không khả thi của điều kiện này.
Theo đó, tiêu chí về tuổi thiết bị (dù là áp dụng chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chuyên ngành hay tuổi riêng cho máy móc thiết bị từng ngành) là khiên cưỡng và bất hợp lý, bởi tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc thiết bị (vòng đời sử dụng, thời gian và mức độ khấu hao của các máy móc, thiết bị là không giống nhau; ảnh hưởng của chúng đối với môi trường, sức khỏe, an toàn của người sử dụng… cũng khác nhau).
Hơn nữa, việc phân ngành tất cả các loại máy móc thiết bị (để áp dụng tiêu chí “tuổi thiết bị” theo ngành) là không khả thi, bởi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, có các loại thiết bị có thể được sử dụng bởi nhiều hơn một ngành.
Bên cạnh đó, “tuổi thiết bị” với cách hiểu là khoảng thời gian từ năm sản xuất cho tới năm nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (như tại Điều 3.4 Dự thảo) hoàn toàn không phản ánh thời gian sử dụng thực (tương ứng với đó là mức độ khấu hao, và mức độ ảnh hưởng tới lợi ích công cộng) của máy móc, thiết bị. Lý do là đa phần các máy móc, thiết bị được mua bán qua hệ thống phân phối (không phải dạng đặt hàng đặc thù) sẽ không được sử dụng ngay vào năm sản xuất (thậm chí là một vài năm sau đó mới được khách hàng mua và sử dụng). Thêm vào đó, máy móc thiết bị không phải được sử dụng liên tục từ khi bắt đâu đưa vào hoạt động tới khi được xuất khẩu sang Việt Nam (thường máy móc, thiết bị được dừng sử dụng trong một khoảng thời gian trước khi bán lại có khách hàng Việt Nam).
Từ các lý do trên, VCCI cho rằng tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Do vậy, đại diện cộng đồng DN đề nghị điều chỉnh Điều 6 Dự thảo theo hướng bỏ quy định hiện tại (về tuổi thiết bị), thay thế bằng quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng.