Sự khan hiếm khẩu trang và tinh thần sẻ chia của người Nhật
Từ xưa đến này dịch bệnh luôn là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại. Những đại dịch như đậu mùa, SARS, MERS hay bây giờ là 2019 nCoV đã, đang và sẽ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Từ đó có thể thấy, dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra hiện giờ không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là vấn đề toàn thế giới phải đối phó, trong đó có đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia có số người nước ngoài làm việc và học tập tương đối cao do tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động trẻ. Tính về quốc tịch, người lao động Trung Quốc chiếm hơn 1/4 trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, với 389.117 người. Chính vì vậy, trong đợt dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra, Nhật Bản đã báo cáo 45 trường hợp nhiễm nCoV, trở thành quốc gia có số người dương tính với vi rút nhiều thứ hai thế giới.
Đáng chú ý hơn là ngày 30/1, Nhật Bản đã xác nhận có 2 người dương tính với nCoV nhưng lại không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm bệnh nào. Đây là một phát hiện tình cờ khi chính phủ Nhật Bản kiểm tra sức khỏe của toàn bộ 206 người Nhật mới về nước trên chuyến bay giải cứu công dân khỏi vùng dịch Vũ Hán.
Cũng bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản phải thực hiện rất nhiều biện pháp quyết liệt để phòng tránh dịch lây lan, đồng thời khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng tránh, như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Trên các phương tiện truyền thông, các bác sĩ được mời tham gia phỏng vấn để hướng dẫn cách rửa tay đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra những thực đơn phù hợp để giúp tăng cường sức đề kháng của con người, ví dụ như bổ sung thêm vitamin C từ rau và hoa quả, ăn thực phẩm có tính ấm như gừng tỏi…
Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến cáo người nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt công cộng để giảm thiểu sự lây lan của vi rút bằng các hành động như mở cử bằng khuỷu tay, bấm thang máy bằng chìa khóa…
Tại Nhật, văn hóa đeo khẩu trang đã trở thành thói quen thường ngày của người dân nơi đây. Với sự phát triển của các phương tiện giao thông công cộng cũng như tâm lý không muốn làm phiền người khác, người dân Nhật Bản đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, trên tàu điện, trong công sở, hay ngay cả khi đi siêu thị. Và nếu như bạn hắt xì hay ho mà không đeo khẩu trang, đặc biệt là khi ở trên tàu điện, thì ắt hẳn bạn sẽ bắt gặp những ánh mắt ái ngại của mọi người xung quanh. Chính vì sự phổ biến đó, khẩu trang y tế được bày bán rộng rãi tại Nhật Bản, bạn có thể ghé qua bất kỳ cửa hàng tiện lợi trong ga tàu hay siêu thị, tiệm thuốc đều có thể dễ dàng mua được. Và chuyện phải đeo khẩu trang để phòng lây lan vi rút corona cũng không quá khó khăn với người Nhật bởi không phải mất thời gian làm quen.
Ấy vậy mà, trong những ngày gần đây, tình trạng cháy hàng khẩu trang lại xảy ra thường xuyên. Ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản công nhận dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức báo động cao, ngay lập tức nhiều người đã cố gắng đi mua càng nhiều khẩu trang nhất có thể.
Qua một đoạn clip được quay tại chuỗi siêu thị Aeon Nhật Bản, có thể thấy cảnh khi nhân viên siêu thị vừa mang khẩu trang ra, đã có rất đông người chực chờ để lấy hàng, có người lấy một lần cả chục hộp. Và chỉ sau một khoảnh khắc hỗn loạn, xe chở các hộp khẩu trang của siêu thị đã chẳng còn gì.
Đây không phải là câu chuyện của riêng Nhật Bản mà là tình trạng chung tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, từ châu Á, châu Âu cho đến Hoa Kỳ, cả trên siêu thị hay các trang thương mại điện tử trực tuyến. Mặc dù giá khẩu trang tại thị trường không có sự thay đổi nhưng trên trang thương mại điện tử Amazon Nhật Bản giá khẩu trang lại tăng cao khi mà nhu cầu mua khẩu trang của người dân càng lớn. Tuy nhiên, với tinh thần sẻ chia với đồng bào của mình, ngay sau khi nhận thấy sự khan hiếm đó, các chuỗi cửa hàng tại Nhật chủ động đã niêm yết quy định mỗi người chỉ được mua 1 hộp khẩu trang để đảm bảo rằng ai cũng có thể mua được, thay vì để mọi người tự do mua theo nhu cầu như trước đó.
“Vũ Hán cố lên!”
Ngày 3/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo nước này đã bắt đầu phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh nCoV để đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban ngân sách Hạ viện, Thủ tướng Abe cho biết nước này đang nhanh chóng bổ sung cơ chế kiểm tra, xét nghiệm dịch bệnh nhằm tránh để vi rút nCoV lây lan rộng ra cộng đồng.
Những chuyến hàng cứu trợ được chuyển đến Vũ Hán trong chiều đi của máy bay đón công dân Nhật |
Theo đó, bên cạnh việc kiểm tra xét nghiệm đang được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Truyền nhiễm Quốc gia và các cơ sở y tế công lập tại các địa phương, Nhật Bản đang nỗ lực để thiết lập cơ chế cho phép các cơ sở kiểm tra tư nhân cũng được tham gia công việc này. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ nhanh chóng xem xét lại, củng cố và nâng cao năng lực hơn nữa của hệ thống y tế nhằm đối phó với bệnh truyền nhiễm, đồng thời khẳng định sẽ ưu tiên thực hiện các phương án bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.
Thực hiện cam kết này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ngay lập tức thiết lập đường dây nóng cho cả người dân và khách du lịch, cung cấp các thông tin về dịch bệnh cũng như đưa ra những lời khuyên cần thiết nhất bằng bốn ngôn ngữ Nhật, Anh, Hàn và Trung. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ chữa trị 100% cho người nhiễm bệnh không phân biệt quốc tịch, chủng loại visa và cũng sẽ không công bố quốc tịch của người nhiễm vi rút. Với người Nhật, trước dịch bệnh, quốc tịch và chữa trị không liên quan đến nhau. Điều này cũng khác với không ít quốc gia đã và đang công bố sẽ trục xuất công dân nước ngoài nhiễm bệnh.
Trung tâm y tế của Nhật Bản cũng ra thông báo, các nhà máy và công xưởng của Nhật đang ra sức làm việc để cung cấp dụng cụ y tế, khẩu trang cho Trung Quốc. Nhật Bản cũng đã điều 3 máy bay đến đón hơn 600 công dân về nước. Và đặc biệt hơn, trên những chuyến bay này, chiều đi không phải là trống rỗng mà là đầy ắp hàng cứu trợ Vũ Hán. Theo Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, máy bay “mang theo các dụng cụ y tế như khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho người Trung Quốc cũng như cho các công dân Nhật”. Không khó khăn để thấy các câu động viên “Vũ Hán cố lên” được người Nhật viết to như các khẩu hiệu để thể hiện sự động viên với người dân Trung Quốc đang ở thành phố tâm dịch.
Người dân xứ Phù Tang từ xưa đến nay luôn phải gồng mình lên để đấu tranh với những thảm hỏa từ thiên nhiên. Họ luôn được biết đến là những người khiêm nhường và biết nghĩ cho cộng đồng. Chính vì lẽ đó, trong đại dịch lần này, mặc dù Nhật Bản chưa rơi vào tình trạng nguy hiểm nhưng cách ứng xử của người dân nơi đây cũng đủ cho ta thấy một xã hội Nhật Bản giàu tình người.