Chia ngọt, sẻ bùi qua từng chính sách
Đối với gia đình ông Thạch Hoài Phong và nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, những cán bộ tín dụng chính sách đã mang tư duy phát triển kinh tế hàng hóa cùng nguồn vốn chính sách đến giúp họ chiến thắng đói nghèo.
“Năm 1999, khi lấy vợ và tách hộ ra ở riêng, tài sản duy nhất mà ba mẹ cho chúng tôi là 500 mét vuông đất vườn. Đất đai hữu hạn, đi lái máy gặt thuê kiếm thêm thu nhập mà gần chục năm đói nghèo vẫn đeo đẳng”, ông Thạch Hoài Phong nhớ lại.
“Năm 2009 gia đình tôi lúc đó là hộ nghèo và được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay bốn triệu đồng của NHCSXH để trồng màu. Tích lũy qua nhiều lần vay vốn NHCSXH, thuê thêm ruộng để làm, đến nay gia đình tôi đã có nhà khang trang để ở và có hơn 5.000m2 đất để trồng màu. Cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”, ông Phong xúc động nói.
Sau khi hãnh diện khoe với Tổng giám đốc NHCSXH rằng con mình đã được đi học Trung cấp kỹ thuật cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi HSSV của NHCSXH, ông Phong còn chỉ chiếc máy gặt lúa Kubota còn mới nằm bên hiên nhà: “Giờ tôi không còn phải đi lái máy thuê nữa. Mua cái máy này 100 triệu, vụ đầu tiên vừa rồi trừ chi phí đi thu được khoảng 30 triệu”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, cho biết, 11 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng đã giúp 1.090 hộ dân trong xã có cơ hội phát triển kinh tế trong đó có 825 hộ gia đình DTTS đang có dư nợ 12.532 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 76%/số hộ đang vay vốn.
Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 958 triệu đồng tuy không phải là lớn như nhiều nơi, song cũng cho thấy bước chuyển trong tư duy của người dân với thói quen tích lũy. “Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn.
Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.
Lời tâm tình, những đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn như ở Thuận Hòa cũng là những điều mà lãnh đạo NHCSXH luôn muốn tận mắt thấy, tai nghe trong hành trình khảo sát tổ chức thường xuyên hàng năm. Không chỉ là kiểm nghiệm những thành quả của các chương trình tín dụng đã triển khai, mà hơn thế, lãnh đạo NHCSXH muốn thêm một lần nữa kiểm chứng các đề xuất từ cơ sở, lắng nghe từng tiếng lòng của người dân về các chính sách tín dụng.
Từ đó, những người làm tín dụng chính sách có thể tìm ra cái ưu để nhân rộng, cái nhược để chỉnh sửa, khắc phục và kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để hoàn thiện hoặc ban hành chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Chỉ nhìn lại tám năm thực hiện Chiến lược Phát triển NHCSXH 2011 - 2020, có tới 8/22 chính sách tín dụng mới và một chính sách được điều chỉnh bổ sung để tiếp tục thực hiện. Trong đó, có nhiều chính sách kết nối, bổ trợ nhau tạo thành những nấc thang trợ đỡ người nghèo tích lũy nguồn thu, nuôi dưỡng sinh kế để không rơi vào tình trạng tái nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững. Ví dụ, chính sách cho vay hộ cận nghèo năm 2013, chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo năm 2015.
Nhiều chính sách hướng vào những “phân khúc” đối tượng chính sách theo vùng miền, địa lý, trong đó, đồng bào DTTS là một ưu tiên hàng đầu trong công tác triển khai tín dụng chính cả về nguồn lực và cơ hội tiếp cận vốn.
Có thể kể đến chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chung cho đối tượng chính sách và riêng cho khu vực đồng bào DTTS, chính sách cho hộ nghèo vay vốn xây chòi tránh lũ, chính sách cho vay hộ DTTS vùng ĐBSCL, cho vay trồng rừng sản xuất phát triển chăn nuôi…
Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam “Giảm nghèo ở tất các các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sông có chất lượng cho mọi người” đã chỉ ra, các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo cũng như nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở, việc làm… góp phần giảm sự thiếu hụt các chiều vào của chỉ số nghèo đa chiều như: trình độ giáo dục người lớn, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh… góp phần hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững theo mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.
“Kỷ lục” với bảy triệu khách hàng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ ra ở đâu lãnh đạo địa phương và các cấp ngành quan tâm, ở đó công tác giảm nghèo hiệu quả. Những năm qua, song hành cùng với việc khảo sát thực tế thực thi tín dụng chính sách, Ban lãnh đạo NHCSXH luôn chủ động kết nối cùng chính quyền và các cấp hội, đoàn thể để tăng cường hiệu quả triển khai công tác tín dụng chính sách.
Trong vai trò cầu nối các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, NHCSXH đã từng bước đề xuất các chính sách kết nối cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo, như việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong 16 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. |
Việc ra đời của Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách.
Với cán bộ NHCSXH, lớn hơn cả niềm vui được địa phương quan tâm về điều kiện làm việc là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn có mức tăng ngày càng lớn.
Song song với sự chủ động ủy thác của địa phương, hàng năm từ Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đến các chi nhánh cấp tỉnh luôn chủ động đề xuất kế hoạch ủy thác cũng như đôn đốc địa phương chuyển nguồn.
Ở cấp Trung ương, Lãnh đạo NHCSXH chủ động gặp gỡ họp bàn, trao đổi giữa chính quyền địa phương đã góp phần đưa Chỉ thị số 40 vào sâu trong cuộc sống, góp thêm sức mạnh nguồn lực giảm nghèo cả về vật lực và trí lực.
Danh sách các tỉnh có nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH hơn 100 tỷ đồng ngày càng dài, không chỉ có ở các tỉnh điều kiện kinh tế phát triển mà cả ở những địa bàn khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum cho biết, nguồn vốn địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay là 110 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng đến hết năm 2018 tại Sóc Trăng đạt trên 3.311 tỷ đồng.
Cùng với việc kiện toàn hệ thống mạng lưới ủy thác thông qua tổ, hội, mô hình hoạt động “Điểm giao dịch xã” là sản phẩm riêng có của NHCSXH đặt gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn trong cả nước đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Nhìn lại 16 năm, hành trình hiện thực hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tính đến thời điểm cuối năm 2018 doanh số cho vay trong 16 năm đã đạt hơn 500.000 tỷ đồng, qua đó đã giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.
Con số gần bảy triệu khách hàng trên toàn quốc đã đưa NHCSXH vào danh sách một trong những hệ thống cung cấp tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới mà Tổng thư ký Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) Prasun Kumar Das đã ghi nhận trong chuyến công tác và tham dự hội thảo tại Việt Nam năm 2018.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra cho cán bộ, viên chức trong hệ thống NHCSXH: “Sự nghiệp giảm nghèo càng về sau càng khó hơn”. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đặt nhiệm vụ với cán bộ NHCSXH “không chỉ là cho vay được đúng, vay đủ mà trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục kiên trì vận động bà con, hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình để tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Một khi bà con còn nghèo, địa phương còn hộ nghèo thì chúng ta vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cùng bà con tìm ra giải pháp thoát nghèo”.