TS.BS Chu Thanh Sơn cho biết, quá trình đáp ứng viêm mạnh mẽ này sẽ làm tổn thương các mô và tạng. Khi rối loạn chức năng các tạng đặc biệt là hệ tuần hoàn sẽ làm giảm khả năng tưới máu, cung cấp oxy đến mô, do đó sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh lý của người bệnh. Nếu không được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sốc, suy đa tạng và tử vong.
Nhiễm trùng huyết – Vấn đề sức khỏe toàn cầu
Ước tính mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 47 triệu – 50 triệu người mắc và khoảng 11 triệu người tử vong do nhiễm trùng huyết, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng hơn 40% (20 triệu trẻ) và tử vong chiếm khoảng 25-30% (khoảng 3 triệu trẻ).
Mọi người đều có thể mắc nhiễm trùng huyết, bất kể tình trạng sức khoẻ,thể trạng và điều kiện sống.
Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm: Trẻ dưới 1 tuổi; Người trên 60 tuổi; Người bệnh đã cắt lá lách; Người có bệnh lý mạn tính về hô hấp, tim mạch, ung thư, thần kinh cơ, ghép tuỷ; Người bệnh suy giảm miễn dịch; Người mới phẫu thuật.
Nhiễm trùng huyết không chỉ dừng lại khi người bệnh xuất viện, các di chứng hậu nhiễm trùng huyết còn ảnh hưởng đến người bệnh suốt phần đời còn lại, đó có thể là buồn chán hay lo lắng; Nuốt khó,đau ngực; Yếu cơ, giảm vận động; Đau khớp và cơ; Suy nghĩ; tiêu cực; Khó ngủ; Khó tập trung; Suy giảm trí nhớ; Mệt mỏi.
Các biện pháp phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng huyết bao gồm: Tiêm chủng đầy đủ; Sử dụng nước sạch; Vệ sinh tay; Ngăn ngừa nhiễm trùng mắc phải trong bệnh viện; An toàn sản khoa...