Nhiệm vụ đột phá

(PLVN) - “Tăng cường cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục, giảm xin - cho, giảm chi phí tuân thủ; chống sách nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân và DN; phân cấp, phân quyền cho cấp nào thực hiện tốt nhất đi cùng phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra...”. Đây là một số nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 8 trong năm 2023 của Chính phủ. Hoàn thiện thể chế đã và đang là đột phá chiến lược.

Thủ tướng luôn nhắc nhở phương châm hành động linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả. Để làm được điều này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền thực thi ngay phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng phê duyệt theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản...

Trong quá trình tháo gỡ những bất cập trong chính sách, nhiều kiến nghị của các hội, hiệp hội, ý kiến phản ánh của các chuyên gia trên các diễn đàn báo chí có những đóng góp rất quan trọng.

Gần đây, 14 hiệp hội góp ý dự thảo định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (Fs) và các kiến nghị để thực thi tái chế hiệu quả. Theo đó, khoản chi phí này đang gây nhiều khó khăn cho DN. Các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế hợp lý hơn.

Bộ TN&MT là đơn vị được giao ban hành định mức tái chế cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần đã trả lời kịp thời; tuy còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu trong điều kiện hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế.

Cần ghi nhận, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật. Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát số lượng lớn văn bản, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều quy định để phù hợp với Hiến pháp; hệ thống hóa để xác định và công bố chính xác các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trên cả nước, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Nhiệm vụ xây dựng đất nước tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.. Vì vậy, gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật cần phải thực sự hiệu quả hơn nữa, cần phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Tính khả thi của văn bản ban hành phải đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành và có cơ chế để người dân giám sát thi hành.

Đọc thêm