Chính vì vậy công tác giám sát thời gian vừa qua bị hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự góp phần đắc lực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra tổn thất lớn trên nhiều lĩnh vực. Muốn giám sát tốt thì trước hết phải tự giám sát chính mình.
Tự giám sát và không giám sát hình thức
Giám sát là theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh.
Để công tác giám sát có hiệu quả, trước tiên bản thân Đảng, Nhà nước, Mặt trận - đoàn thể phải tự giám sát trước khi thực hiện vai trò giám sát những đối tượng khác thuộc phạm vi giám sát của mình. Tại sao vậy? Vì giám sát là công tác quan trọng đòi hỏi quy trình chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm rất cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Tư, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hội thảo xây dựng định hướng chiến lược về đầu tư công, thừa nhận rằng tình trạng giám sát đầu tư thật lỏng lẻo vì trong số 34.000 – 36.000 dự án đầu tư công đang thực hiện chỉ có 60% là có thực hiện báo cáo giám sát. Không phải chỉ lỏng lẻo trong giám sát mà cả trong nội dung, cách thức tiến hành.
Nguyên nhân chính là thiếu tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Chính chủ đầu tư dự án thực hiện việc giám sát, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là người tổng hợp báo cáo. Như vậy, không còn tính khách quan, độc lập, trung thực nữa. Trong trường hợp này càng cho thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiếu vắng việc tự giám sát chính mình trong công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ của Quốc hội (UBTV) đặt ra 5 vấn đề trọng tâm trong năm để thực hiện quyền giám sát theo luật định. Và có lẽ “tính trọng tâm” mới hy vọng phát huy hiệu quả giám sát, tránh tình trạng giám sát tràn lan, hình thức, thiếu thực chất. Tổng kết 5 năm thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Bộ NN&PTNT nêu bật thành tích to lớn toàn diện.
Nhưng khi Đoàn giát sát của UBTV Quốc hội qua thời gian dài giám sát đã phát hiện 53/63 tỉnh, thành bị nợ đọng (tức nợ công) lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Sản xuất không khá lên bao nhiêu, đời sống nhân dân không được cải thiện so với số tiền đầu tư của Nhà nước giao cho Bộ NN&PTNT.
UBTV Quốc hội còn đề nghị có biện pháp xử lý nợ đọng và những người có dấu hiệu tham ô, lãng phí. Một vấn đề giám sát có hiệu quả nữa của UBTV Quốc hội là phát hiện ở nhiều tỉnh, thành có hiện tượng bộ máy cồng kềnh, cán bộ thiếu năng lực, “một người làm quan cả họ được nhờ”, chọn người nhà hơn chọn “nhân tài”, đến mức có nơi từ huyện đến xã xuất hiện khá nhiều hiện trạng rất nhiều người cùng nhà tham gia “làm quan” tại một địa phương.
Nói đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là nói đến vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân. MTTQ được cử thông qua hiệp thương, khác với đại biểu dân cử là được cử tri bầu. Nói vậy để thấy việc giám sát của một liên minh như MTTQ chủ yếu hoạt động bằng vận động sự tự giác của nhân dân và chỉ có quyền đề đạt kiến nghị để tổ chức đại biểu dân cử và chính quyền giải quyết theo luật định.
Chính vì cái thế yếu này mà nhiều năm qua, cảm tưởng như MTTQ vẫn còn loay hoay ì ạch trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát đầu tư cộng đồng, bên cạnh đó còn có nguyên nhân cán bộ MTTQ không có chuyên môn sâu theo các lĩnh vực cần giám sát. Khi chủ trì cuộc vận động “An toàn thực phẩm”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ khó đạt hiệu quả cao cũng vì nhiều cán bộ Mặt trận đi giám sát nhưng lại thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Ngay trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do MTTQ Việt Nam chủ động phát động, MTTQ ngậm ngùi phải chứng kiến 53/65 tỉnh, thành bị nợ đọng về xây dựng Nông thôn mới mà vai trò giám sát của MTTQ tại cơ sở thật sự lu mờ.
MTTQVN nên chăng bàn kỹ và định ra những vấn đề giám sát có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để phát huy vai trò giám sát, trước hết trong nội bộ MTTQVN phải tự giám sát mình, rà soát xem xét kỹ trình độ, phẩm chất cán bộ. Sử dụng đúng người, đúng việc để công tác giám sát đạt hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ và trong nhiều tháng qua đã thu được nhiều kết quả khả quan, làm tăng đáng kể niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Tuy nhiên vì Chính phủ có rất nhiều bộ nên việc tự giám sát mình (Chính phủ và các bộ) còn nhiều bất cập. Đơn cử trên cả nước có đến hàng trăm dự án treo (riêng TP HCM có trên 100 dự án treo) tốn kém hàng chục ngàn tỉ đồng mà chưa có lối ra cơ bản, có phần do công tác giám sát lỏng lẻo, kéo dài. Đã đến lúc cần phải có hội nghị chuyên đề để có biện pháp tháo gỡ cho hàng trăm dự án treo gây hậu quả rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Còn đối với nhân dân, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác giám sát và ý thức trách nhiệm của chính họ. Nhất thiết phải thiết lập kênh chính thức để các đại biểu dân cử tiếp nhận thông tin từ người dân. Hoặc các đại biểu dân cử được quyền tổ chức những phiên điều trần công khai để mỗi người dân có thể tham gia và chất vấn chủ đầu tư (nếu liên quan đến vấn đề đầu tư dự án).
Để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm giám sát của mình phải có cơ chế thích hợp để người dân thực hiện quyền này. Nếu không, quy định quyền giám sát thì hầu như rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có, song việc thực hiện vẫn tiếp tục rơi vào bệnh hình thức. Giám sát gắn liền với việc bảo đảm các cá nhân có trách nhiệm phải nói đi đôi với làm - nói ít mà làm có hiệu quả thiết thực. Nếu không thì người dân sẽ không tin.
Thiết nghĩ, các khối Đảng, khối Nhà nước, khối Mặt trận - đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần có kế hoạch tự giám sát. Kế đến là từng tổ chức có liên quan đề ra các vấn đề trọng tâm để giám sát một cách thực chất, hiệu quả. Các kế hoạch cần được công khai, minh bạch để nhân dân theo dõi, giám sát. Vào cuối năm, mỗi tổ chức công bố công khai để việc giám sát đạt kết quả cụ thể đúng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, theo cơ chế “Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết; Nhà nước quản lý bằng pháp luật; Mặt trận vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ - giám sát, phản biện xã hội”, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo và đổ lỗi cho nhau trong nhiều năm qua.
Xin được lấy phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Quốc hội ngày 23/05/2017 để kết thúc bài viết này: “Khi có quá nhiều nội dung để giám sát thì cần chọn vấn đề giám sát sao cho xác đáng, cho đúng, trúng và giải quyết đến nơi, đến chốn”.