Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai những tháng đầu năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và quyết tâm hơn trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Lo thất thoát tiền nhà nước
Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, kinh tế cả trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khó khăn. Trong bối cảnh đó, các đại biểu đánh giá kinh tế vẫn đạt những kết quả khả quan là nỗ lực lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng những kết quả đạt được vẫn còn thể hiện sự thiếu bền vững.
“Chúng ta phải đánh giá đúng những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, những yếu kém của nền kinh tế, vì sao doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, hàng tồn kho lớn, giá nông sản giảm, đời sống khó khăn, tội phạm diễn biến phức tạp…”.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bắt đầu phần phát biểu bằng hàng loạt câu hỏi. Từ phân tích về việc các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước làm ăn thua lỗ, ông Vinh đề nghị phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng Tập đoàn, Tổng Cty nhà nước đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại Hội trường. |
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chỉ ra rằng, vốn nhà nước ở tập đoàn, Tổng Cty nhà nước là rất lớn nhưng cơ chế quản lý, sử dụng chưa rõ ràng, khi xảy ra sai sót khó quy trách nhiệm, xử lý khó khăn. Tại Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã có giám sát về vấn đề này nhưng triển khai còn chậm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua khiến dư luận bức xúc.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh: Chưa xong Vinashin thì nay lại là Vinalines, mỗi doanh nghiệp này làm lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ của nhà nước, của người dân. Cử tri đang thấp thỏm xem liệu còn bao nhiêu "Vina" khác nữa. Vì các Tổng Cty, tập đoàn nhà nước nhìn chung yếu về năng lực trong khi nắm số vốn đến hơn 800.000 tỷ đồng, hơn cả thu ngân sách quốc gia một năm, mà hiệu quả hoạt động không tương xứng với mức đầu tư".
Nguyên nhân, theo ĐB Tiến “phải chăng là do Nhà nước quá nuông chiều các "công tử" này, sẵn sàng cung ứng “bầu sữa” ngân sách mà chưa xem xét năng lực thực sự, khả năng hoạt động, nhà nước sẵn sàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để hỗ trợ, cứu khi họ sa chân khiến họ muốn bao cấp mãi”.
Trước quan tâm của nhiều ĐB về nguồn vốn tại các tập đoàn, Tổng Cty, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã cho biết, thời gian qua đã thanh tra tại 5 tập đoàn lớn, phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có vụ đã chuyển qua cơ quan điều tra theo quy định.
Thắt quá chặt, doanh nghiệp khó khăn
Nhận diện những khó khăn của nền kinh tế, từ đầu phiên họp thứ 3, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày chỉ rõ: Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, sử dụng biện pháp thắt chặt quá cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phải theo dõi sát thị trường, khắc phục tình trạng thắt quá chặt, nới quá nhanh, lạm phát trở lại mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Dưới con mắt của một chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch (Tp HCM) chỉ ra rằng, điểm nghẽn của nền kinh tế chính là từ dòng vốn. Nợ xấu ngân hàng như dòng máu đông. ĐB Lịch cho rằng “dường như tái cấu trúc có một nhóm lợi ích nào đó “đục nước béo cò”. ĐB đề nghị ngay sau kỳ họp thứ ba này, cần giảm thuế ngay cho doanh nghiệp “trước sau cũng phải giảm, thời điểm này là hợp lý rồi”.
ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt miền núi, cần khẩn trương đánh giá chính sách miễn giảm thuế đối với một số ngành và lĩnh vực,qua đó xem chính sách đã được gì và chưa được gì để tiếp tục chỉ đạo.
Trước lo lắng của nhiều ĐB về việc lãi suất cao gây khó khăn cho DN, DN khó tiếp cận nguồn vốn, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định thời điểm quý 4/2011 và từ đầu năm 2012 đến nay “chính sách tiền tệ không nói là nới lỏng nhưng đã có bước mở ra để tăng trưởng kinh tế hợp lý”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang: “Sai phạm, tiêu cực trong đất đai là phổ biến” Trước nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng tham nhũng phát sinh nhiều nhất là trong lĩnh vực đất đai, hôm qua 7/6 bên hành lang kỳ họp, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông cho biết: Không chỉ một đại biểu nêu mà tôi đã nghe nhiều ý kiến. Là những người trong ngành chúng tôi cũng cảm thấy hết sức đau xót khi nhìn thực trạng khiếu kiện và tham nhũng, tiêu cực nóng bỏng trong lĩnh vực này. Phải nói sai phạm, tiêu cực là khá phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng đó có nhiều nguyên nhân. Trước đây, thời kỳ bao cấp, có thể nói không mấy người quan tâm nhiều đến đất đai. Nhưng sang đến thời cơ chế thị trường hiện nay, đất đai trở nên có giá nên bỗng chốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hơn nữa, luật pháp trong lĩnh vực này cũng chưa chặt chẽ, phân cấp, thẩm quyền chưa rõ ràng, rồi giám sát cán bộ thực thi công vụ có vấn đề. Nhưng Bộ chủ yếu làm thể chế là chính. Còn giao đất, giá đất cụ thể thì ở các địa phương cả. Tôi đã nhiều lần nói trong các cuộc họp ở Bộ, ta làm việc với chức trách của cán bộ, công chức, không thể lợi dụng để làm giàu bất chính trên tài nguyên đất nước. Nhiều ĐBQH cho rằng, đất đai để hoang hóa, sử dụng sai mục đích cũng là tham nhũng, lãng phí? - Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng liên quan chủ yếu liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo ra kẽ hở. Thay đổi quy hoạch sử dụng đất, chuyện cấp đất cho các dự án… cũng là những phần việc dễ bị lợi dụng. Tôi cho rằng tới đây phải sửa quy định liên quan đến những việc này. Trước đây chúng ta cấp cho các doanh nghiệp tư nhân những diện tích đất đai lớn quá mà họ không có tiềm lực thực hiện, dẫn đến bỏ hoang hóa rất nhiều. Vậy trách nhiệm quản lý của Bộ trong việc này tới đâu? - Như tôi đã nói, Bộ TN-MT chủ yếu chỉ làm về thể chế, còn cụ thể việc quản lý địa phương làm là chính. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa không có trách nhiệm của Bộ tuy nhiên địa phương cũng cần hết sức quan tâm đến vấn đề này. Xin cảm ơn Bộ trưởng! T.Hằng (ghi) |
Thu Hằng