Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023) triển lãm trực tuyến tài liệu lưu trữ “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tại Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Gươm (số 02 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm) và phố đi bộ quanh hồ.
Nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh minh hoạ
Nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh minh hoạ

Với bố cục theo 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí thể hiện qua hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch, triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” giới thiệu đến công chúng về sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây. Thời điểm đó, hồ Gươm được người Pháp chọn là trung tâm của quá trình quy hoạch. Cũng thông qua triển lãm, nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội được thể hiện qua lăng kính của chính những người con sinh ra và lớn lên ở đây.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng”. Trưng bày gợi nhớ những gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô để có được “Ngày về chiến thắng”, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử. Với phần nội dung Trường kỳ kháng chiến, đó là hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô nguyện chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Biến phố phường thành trận địa, trong suốt 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu “giam chân” địch trong lòng thành phố, quân và dân Thủ đô đã lập nên những chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Còn ở phần trưng bày Ngày về lịch sử, người xem sẽ có cái nhìn tổng quan sau 9 năm kháng chiến gian khổ, Ngày về lịch sử đã không còn xa. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký Hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.

Chương trình ca nhạc “Chuyện phố thời bao cấp” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 14/10, tại Rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thông qua chương trình, Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 của thế kỷ XX bằng âm nhạc. Từ âm nhạc dân tộc, cổ truyền, đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc phương Nam, âm nhạc phương Tây và nhiều vùng miền khác cùng hòa trộn… Tất cả sẽ được làm sống dậy trong chương trình “Chuyện phố thời bao cấp” nhưng với cách kể đầy mới mẻ, trẻ trung.

“Chuyện phố thời bao cấp” kể về một gia đình tứ đại đồng đường sống ở phố cổ Hà Nội. Những vui buồn, mâu thuẫn và cả những hạnh phúc riêng tư phản ánh một phần đời sống của người Hà Nội những năm 1980. Mỗi con người một cá tính, một công việc và những sở thích khác nhau. Mỗi thế hệ có những góc nhìn riêng về đời sống xã hội và cuộc sống gia đình, chính vì thế những mâu thuẫn xảy ra là điều không tránh khỏi. Song vượt lên trên tất cả những khó khăn vật chất là tình yêu thương, chia sẻ của các thành viên trong gia đình.

Không chỉ thưởng thức âm nhạc, đến với “Chuyện phố thời bao cấp”, khán giả còn được đắm chìm trong không gian của một thời hoài niệm với những quầy hàng mậu dịch bán các mặt hàng bằng tem phiếu như thời bao cấp và được hòa mình vào một đám cưới của người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước...