Nhiều ngân hàng công bố cắt giảm chi nhánh, nhân sự

(PLVN) - Hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi nhánh giao dịch, “báo động” làn sóng mất việc của nghề từng được coi là “hot” nhất trong nhiều năm gần đây.
Việc áp dụng công nghệ trong quy trình hoạt động và giao tiếp với khách hàng sẽ tạo ra cuộc “cải tổ” trong hoạt động các ngân hàng, từ trong ra ngoài. (Ảnh minh họa - nguồn: TPBank)

Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số

Tháng 4 đang là mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp, ngân hàng. Trong tuần cuối của tháng 4, có đến 17 ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Một trong những vấn đề được quan tâm trong các đại hội này là vấn đề nhân sự của các ngân hàng này sẽ được công bố ra sao trong bối cảnh làn sóng cắt giảm nhân sự đang ngày càng phổ biến ở các ngân hàng đã tiến hành đại hội.

Mới đây nhất, VietinBank đã công bố sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch. Theo kế hoạch, VietinBank dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch nhằm tinh gọn hệ thống trong năm 2025. Thay vào đó là sử dụng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng. Hiện VietinBank đang triển khai 108 sáng kiến nền tảng trong giai đoạn một của chương trình chuyển đổi số và đã có khoảng 60 - 70% sản phẩm được đưa lên kênh số và giao dịch qua kênh số chiếm tới 99%.

Tại ĐHĐCĐ của ABBank, lãnh đạo ABBank cũng cho biết sẽ tiếp tục tiến hành tinh gọn và tối ưu hóa bộ máy vận hành nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả. Theo đó, ABBank sẽ thu gọn số lượng đầu mối tại hội sở, tăng cường trách nhiệm giám sát của các bộ phận vận hành và hỗ trợ. Đồng thời, ngân hàng này cũng sẽ rà soát, tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống, bố trí lại nguồn lực phù hợp với mô hình tổ chức mới, nhưng vẫn bảo đảm đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Trước đó, ABBank cũng đã thực hiện tinh giản bộ máy, có những khối tinh giản 30 - 40% nhân sự bởi xác định, trong thời đại số hóa, một người có thể làm được công việc của nhiều người.

Trong báo cáo chuẩn bị cho ĐHĐCĐ (diễn ra hôm qua - 22/4), Ngân hàng Phương Đông cũng cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng này đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ khi triển khai giải pháp cấp thẻ tín dụng hoặc khoản vay tiêu dùng trực tuyến, khách hàng có thể được cấp thẻ tín dụng hoặc cấp khoản vay trong vài giờ làm việc qua hệ thống thẩm định và quản lý quy trình tự động; Đồng thời tích hợp Al Chat Bot nhằm nâng cao tương tác, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho việc chăm sóc khách hàng trên kênh số.

Trong công bố báo cáo tài chính quý I/2025, LPBank cho thấy, Ngân hàng này đã thực hiện cắt giảm nhân sự mạnh mẽ ngay quý đầu năm 2025. Theo đó, tính đến 31/3/2025, số lượng cán bộ, nhân viên Ngân hàng này là 9.570 người, giảm 1.619 người (tương đương 14,46%) so với con số tại thời điểm 31/12/2024.

Làn sóng cắt giảm sẽ còn tiếp diễn

Theo lý giải của các ngân hàng thương mại, việc cắt giảm nhân sự trong thời gian vừa qua chủ yếu do quá trình chuyển đổi số và tái cấu trúc mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, việc áp dụng các mô hình phòng ban tích hợp, tinh gọn ở một số vị trí công việc truyền thống cũng khiến nhân sự dôi dư.

Phân tích của các công ty chứng khoán cho thấy, việc cắt giảm nhân sự ngân hàng sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 2025 khi các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cấu trúc hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi phí. Đồng thời các ngân hàng đang có xu hướng giảm số lượng nhân sự tại các điểm tiếp xúc vật lý, thu hẹp diện tích mặt bằng vận hành nhằm tối ưu hóa quản lý trong bối cảnh công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Đây cũng là ý kiến của lãnh đạo ABBank đưa ra tại ĐHĐCĐ. Theo vị lãnh đạo này, trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng ứng dụng công nghệ, AI, việc phát triển chi nhánh, phòng giao dịch địa lý cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Cân nhắc không chỉ là do việc phát triển chi nhánh này phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà các ngân hàng còn phải đánh giá, cân nhắc xem việc mở rộng chi nhánh địa lý có thực sự mang lại hiệu quả hoạt động không.

“Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng có nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng công nghệ. Có những giao dịch trước đây phải cần đến phòng giao dịch hay các chi nhánh thì giờ đây khách hàng có thể thao tác trên điện thoại thông minh. Trong thời đại số, có những điều chi nhánh địa lý không còn đáp ứng được nữa” - vị lãnh đạo ABBank nói.

Nhiều chuyên gia dự đoán, trong vài năm tới, công nghệ AI sẽ phát triển mạnh mẽ, thay thế nhiều việc làm, đặc biệt, ngành Ngân hàng sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất trong số các lĩnh vực bị tác động. Bởi hiện công nghệ AI đã và đang được các ngân hàng áp dụng nhiều hơn để xử lý nhiều công việc, từ khối hành chính đến các nghiệp vụ thống kê, đề xuất sản phẩm - dịch vụ và hỗ trợ xác thực thông tin, phân tích dữ liệu.

Do đó, diễn biến dịch chuyển nhân sự trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các tổ chức tín dụng cân đối trong việc đầu tư đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực và đổi mới chính sách tuyển dụng nhằm giữ chân người lao động trong các mảng công việc mang tính chiến lược.

Đại diện một ngân hàng nhóm Big 4 cho biết, trong giai đoạn hiện nay khi việc tinh giản bộ máy, nhân sự và sáp nhập tỉnh đang được thực hiện mạnh mẽ, ngành Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, thường thì các ngân hàng sẽ tùy thuộc vào dư địa tăng trưởng của từng địa phương, chi nhánh để lên kế hoạch cắt giảm cho phù hợp với lộ trình, chiến lược tăng trưởng của mình, không phụ thuộc vào việc thu hẹp đầu mối của cơ quan quản lý nhà nước.

Đọc thêm