Nhiều người được nhận một tài sản: Chỉ một người yêu cầu thi hành án thì xử lý thế nào?

(PLVN) - Việc ra quyết định thi hành án theo yêu cầu mặc dù đã có quy định cụ thể, song trên thực tế chấp hành viên gặp nhiều khó khăn trong áp dụng.
Ảnh minh họa

Kéo dài thời gian tổ chức thi hành án

 Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định về trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc.

Trước hết, về nội dung quyết định thi hành án: Cơ quan THADS có ra quyết định thi hành án bao gồm toàn bộ phần nghĩa vụ cho tất cả những người được thi hành án hay không? Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS thì Chấp hành viên có nhiệm vụ “thi hành đúng nội dung bản án, quyết định”. Trong khi đó, đây là trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định - quyền liên đới, không tách rời. Do đó, Quyết định thi hành án phải bao gồm toàn bộ phần nghĩa vụ cho tất cả những người được thi hành án (bao gồm cả những người được thi hành án chưa có đơn yêu cầu). 

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS thì “Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án”. Theo quy định này, chỉ khi nhận được đơn yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan THADS mới ra quyết định thi hành án cho họ. Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu ra hết cho toàn bộ những người được thi hành án theo đúng nội dung bản án, quyết định thì lại trái với nguyên tắc ra quyết định theo đơn yêu cầu. 

Bên cạnh đó, quy định hiện hành yêu cầu phải thông báo cho những người được thi hành án chưa có đơn biết để họ yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày. Vậy, trong thời hạn 30 ngày, nếu họ làm đơn thì xử lý như thế nào? Có ra quyết định thi hành án hay không? Ra như thế nào khi quyết định thi hành án đã ra đã thể hiện đầy đủ nội dung khoản phải thi hành. Nếu ra thêm một hoặc nhiều quyết định có nội dung tương tự thì sẽ tăng số việc và giá trị ảo (do từng nội dung). Nhưng nếu không ra thì căn cứ nào để không ra khi vẫn còn thời hiệu cũng như cơ sở nào cho việc giao tiền, tài sản cho họ?

 Về vấn đề này, Điều 289 Bộ luật Dân sự về thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới đã có quy định. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, trong trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định thì dù có người yêu cầu thêm hay không có người yêu cầu thêm thì Chấp hành viên vẫn tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho những người được thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đối với tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự. Vì vậy, quy định hiện hành buộc Chấp hành viên phải có trách nhiệm thông báo cho những người được thi hành án chưa có yêu cầu để họ yêu cầu thi hành án là không cần thiết, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc ra các quyết định thi hành án. 

Chỉ giao tài sản cho những người đã có yêu cầu?

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đang đưa ra hai phương án. Thứ nhất, áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự nêu trên (mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ), đảm bảo việc cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự, đồng thời để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người đã yêu cầu thi hành án, cần quy định theo hướng: Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án đối với những người đã có yêu cầu và thực hiện việc giao tài sản, thanh toán tiền cho họ theo quy định. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đối với khoản tiền, tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự. 

Còn theo phương án 2, mặc dù cần đảm bảo quyền và lợi ích cho những người đã yêu cầu thi hành án, nhưng trên thực tế, khi ra quyết định thi hành án trong trường hợp quyền liên đới (quyền của những người được thi hành án không thể tách rời), cơ quan THADS phải thi hành án theo đúng nội dung bản án, quyết định. Như vậy trong quyết định thi hành án vẫn cần có tên của những người chưa yêu cầu thi hành án. Khi đó sẽ có một thực tế là những người chưa yêu cầu thi hành án có thể khiếu nại về việc cơ quan THADS không thực hiện việc thông báo và giao tài sản, thanh toán tiền cho họ, trong khi đó họ vẫn có tên trong quyết định thi hành án. 

Để giải quyết vướng mắc trên, Dự thảo quy định: Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án theo đúng nội dung bản án, quyết định và thực hiện việc thông báo theo quy định. Chấp hành viên tổ chức giao tiền, tài sản cho những người đã có yêu cầu hoặc những người được thi hành án có mặt theo thông báo của Chấp hành viên. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đối với khoản tiền, tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự. 

Đọc thêm