Hà Nội từng có kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu với 6 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, chi phí khoảng 10 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, sau khi Ban Bí thư ra Chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thông tin không tổ chức bắn pháo hoa vào dịp Tết này.
"Tôi chắc chắn Hà Nội sẽ rất vui vào dịp Tết mà không phải chi phí hàng chục tỷ đồng bắn pháo hoa", ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định trước báo giới.
Quảng Ninh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo các địa phương trong tỉnh không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, dù bằng bất kỳ nguồn kinh phí nào.
“Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để mọi người học tập, làm theo”, Bí thư Nguyễn Văn Đọc ký nhấn mạnh.
Trước đó, đã có 10/14 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh đăng ký bắn pháo hoa đón giao thừa dịp Tết Nguyên đán.
TP. Đà Nẵng: Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thông báo về việc không bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và dịp Tết 2017.
Thừa Thiên Huế cũng ngừng kế hoạch bắn pháo hoa tại Ngọ Môn và huyện Nam Đông. Kinh phí bắn pháo hoa vào dịp Tết cổ truyền mọi năm ở tỉnh này khoảng gần 1 tỷ đồng.
Bình Định: Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết chính quyền tỉnh và cá nhân ông hoan nghênh những nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017. Bình Định sẽ không bắn pháo hoa và dành toàn bộ nguồn kinh phí này cho người dân vùng lũ.
“Ngoài việc không bắn pháo hoa, chúng tôi cũng đang rà soát lại các khoản chi, với tinh thần tiết kiệm để dành nguồn lực hỗ trợ tái thiết sau thiên tai nặng nề tại tỉnh Bình Định”, ông Dũng nói.
Quảng Ngãi: Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi cho biết mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân nên địa phương sẽ không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán 2017.
UBND TP.Quảng Ngãi đã gửi thư ngỏ cảm ơn; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp thay vì góp tiền bắn pháo hoa đêm giao thừa như mọi năm thì dành kinh phí tặng quà tết cho người nghèo, đồng bào vùng lũ.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố sẽ chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư và sẽ không bắn pháo hoa trong dịp Tết Dương lịch. Trước đó Thành phố đã chuẩn bị kế hoạch bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán bằng nguồn vốn xã hội hoá.
Thành phố cũng đã chuẩn bị một số chương trình văn nghệ để phục vụ người dân đón xuân.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có công văn chỉ đạo UBND TP Cao Lãnh, UBND TP Sa Đéc, UBND huyện Hồng Ngự không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn.
UBND TP.Vũng Tàu cùng các ngành chức năng đã họp bàn về tổ chức sự kiện “Đếm ngược thời khắc giao thừa Tết dương lịch 2017” tại ngã ba Hoàng Hoa Thám - Thùy Vân (bãi Sau, TP Vũng Tàu), trong đó có kế hoạch bắn pháo hoa. Tuy nhiên sau cuộc họp, chiều 23/12, ông Nguyễn Lập, chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - khẳng định “dứt khoát bỏ bắn pháo hoa” theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Một số địa phương khác ở miền Trung chịu hậu quả của đợt lũ lụt vừa qua sẽ không tổ chức bắn pháo hoa. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ khác như: Cần Thơ, Vĩnh Long… cũng có chủ trương này.