Chuẩn bị bước vào năm học mới, 4 đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục TP Hà Nội vừa đồng loạt kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường học trên địa bàn 29 quận, huyện, thị. Kết quả cho thấy, tính chủ động trong phòng chống dịch chưa cao, cán bộ y tế còn mơ hồ và chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Lỗi tại phụ huynh?
Đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiếu dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng dịch ở Trường mầm non tư thục Lê Quí Đôn và Trường tiểu học Cầu Diễn (Từ Liêm).
Tại trường Lê Quí Đôn, cán bộ y tế trường Nguyễn Thị Hồng Lý cho biết: Tháng 7, trường có 2 trường hợp mắc tay chân miệng. Hai cháu này ở Mỹ Đình và Mễ Trì cùng học chung 1 lớp và bị cách nhau 3 ngày. Sau khi nhận được thông báo của bệnh viện, trường đã lau rửa đồ chơi, phun thuốc khử trùng CloraminB. Từ đó đến nay, thứ 7 hàng tuần trường đều ngâm rửa đồ chơi, hấp tiệt trùng khăn mặt, lau đồ chơi, mặt bàn ghế… Trường cũng chủ động mua Cloramin B về pha và phun ở các lớp học.
|
Năm học mới đang cận kề |
Theo qui định, khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, trường phải cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Tuy nhiên, trường Lê Quí Đôn vẫn tiếp tục cho học sinh đi học. Biện minh cho việc làm trái qui định này, Ban giám hiệu và nhân viên y tế đưa ra lý do đây là yêu cầu của phụ huynh.
Trước tình hình này, ông Hiền yêu cầu nhà trường phải báo cáo lên trung tâm y tế để tiếp tục theo dõi, khử trùng ở khu vực trường, dân cư, nếu không sẽ không làm tốt khâu kiểm soát, phòng dịch ở khu vực này. Bên cạnh đó, cùng với việc vệ sinh môi trường, nhà trường cần lưu ý đến công tác vệ sinh cá nhân của các cháu, hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng. Ngoài ra, cũng lưu ý đến việc phòng chống dịch sốt xuất huyết vì hiện dịch này đang có nguy cơ gia tăng.
Xem như dịch... ở xa?
Ông Phan Minh Tuấn, chuyên viên Phòng giáo dục khẳng định đã kiểm tra 102 đơn vị trường học trên địa bàn và ngày 23/8 đã tổ chức tập huấn cho các trường. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra xuống trường tiểu học Cầu Diễn, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hà cho hay chưa nhận được kế hoạch phòng chống dịch TCM.
Trường mới chỉ biết về bệnh này qua các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu cán bộ y tế lấy thông tin trên mạng về và sẽ tuyên truyền cho học sinh. Tại phòng y tế của nhà trường, không thấy có có tờ rơi hướng dẫn phòng chống bệnh TCM cũng như hướng dẫn các biểu hiện của bệnh, không có danh mục thuốc theo quy định, các thiết bị phục vụ cấp cứu ban đầu không đúng và mất vệ sinh…
Tại trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi được hỏi về kế hoạch cụ thể thì bà Nguyễn Thị Kim Quy - cán bộ y tế học đường của nhà trường cho biết: Nhà trường đã nhờ một phụ huynh học sinh mua thuốc cloramin B ở phố Lò Đúc. Bà sẽ tự pha và cùng đội ngũ bảo vệ, lao công của nhà trường phun khử trùng lớp học.
Khi được hỏi cách pha thế nào, thì bà Quy không lý giải cụ thể về tỷ lệ được mà chỉ áng rằng pha 5-10 thìa cà phê cloramin B vào bình nước 10 lít. Về điều này, bà Ngô Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, việc nhà trường tự mua hóa chất mà không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, lại tự pha để phun, không thông qua y tế quận, phường, tỷ lệ pha hóa chất cũng không nắm rõ thì không những không đạt hiệu quả mà còn lãng phí, thậm chí nguy hiểm.
Đánh giá bước đầu, ông Hiền cho biết: Đợt kiểm tra này cho thấy công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện liên quan cho công tác phòng chống dịch của trường ngay trước năm học mới là tương đối tốt. Dịch bệnh TCM liên quan đến nhiều cấp ngành, UBND các quận huyện phải ban hành kế hoạch phân công cụ thể cho từng đơn vị để có những ứng phó kịp thời. Trong tuần này, Thành phố Hà Nội sẽ phát động vệ sinh trên toàn khu vực, đặc biệt là ở các trường học.
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, ngay từ tháng 6/2011 cùng với một số tỉnh, thành khác, Hà Nội cũng ghi nhận vài trường hợp mắc TCM. Mặc dù mức độ ít, rải rác và lúc đó học sinh vẫn nghỉ hè nhưng liên Sở Y tế và Giáo dục - Đào tạo đã ý thức được vai trò của việc phòng bệnh nên khẩn trương yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai các nhiệm vụ như phòng chống dịch; tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch; hướng dẫn cách xử lý khi có dịch xảy ra. |