Bộ GD&ĐT mới đây vừa ban hành Thông tư số 30/2024 về Quy chế tuyển sinh THCS - THPT, có hiệu lực từ 14/2/2025. Trong đó, nội dung bỏ thi tuyển lớp 6 trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm lớn từ các bậc phụ huynh. Quyết định này, được đưa ra với mục tiêu giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh Tiểu học, song lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều phụ huynh ủng hộ, cho rằng đây là cơ hội để các em tập trung phát triển toàn diện thay vì chạy theo thành tích. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh và chất lượng đầu vào của các trường chuyên, lớp chọn.
Ủng hộ vì giảm áp lực cho cả học sinh và phụ huynh
Chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội, chị N.T. Hà (phụ huynh có con sinh năm 2014) cho biết, bản thân đã đồng hành cùng con suốt những năm Tiểu học và xác định ôn thi trường chất lượng cao từ năm lớp 3. Hàng ngày chị đưa đón đi học thêm tại các trung tâm, có nơi cách nhà gần 20km đi về.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30, chị Hà cảm thấy vô cùng hụt hẫng: "Bao công sức cả mẹ cả con bỏ ra, con không được thử sức nhưng tôi nghĩ việc bỏ hình thức thi tuyển là phù hợp. Nghĩ đến việc các con và bố mẹ đều đỡ áp lực hơn, các con cũng sẽ có tuổi thơ đúng nghĩa hơn, không cần phải lo chưa đọc thông viết thạo đã phải đi học Toán, Văn nâng cao. Các con có thời gian để học thêm các môn ngoại khoá, có thời gian được vui chơi hơn. Việc học vẫn đảm bảo, lên cấp 2 khi các con đủ chín chắn hơn thì thi thố và phấn đấu cũng chưa hề muộn", chị Hà chia sẻ.
Cũng ủng hộ việc bỏ thi tuyển lớp 6, một phụ huynh viết: "Cá nhân tôi ủng hộ Thông tư 30. Năng lực của các con không thể đánh giá đa phần qua 1 bài thi. Trong quá trình đồng hành cùng con (lớp 5), không kể đêm hôm cuối tuần đưa con đi học thêm, tôi thấy rất áp lực, áp lực thay cho các con. Từ khi có thông tư 30, tôi thấy như được rũ bỏ áp lực đó. Bây giờ con vẫn học thêm nhưng học theo năng lực của con, củng cố kiến thức, mà không còn những căng thẳng bài khó... Học đâu phải chỉ vì kì thi!... Hãy xác định học vì kiến thức cho con, xác định lại mục đích của việc học thực sự là gì. Các con cần được bồi đắp toàn diện hóa, kể cả văn thể mỹ, kỹ năng. Hãy để các trường và con chọn nhau, thay vì sự lựa chọn ấy lại đang từ phía cha mẹ phụ huynh kỳ vọng".
"Tôi sợ cái cảm giác đỗ - trượt ! Cái cảm giác trượt nó rất kinh khủng. Bố mẹ không áp lực nhưng các con sẽ áp lực. Thậm chí bố mẹ còn áp lực hơn. Đến khi có điểm rồi nếu con trượt thì lại bị mọi người so sánh. 11 tuổi chưa nên cho cảm giác căng thẳng vậy. Đỗ thì ít, trượt thì nhiều. Với sức học của con thì tôi ủng hộ Thông tư 30 này của Bộ GD&ĐT. Trước đó tôi dự tính cho con thi và học trường chất lượng cao gần nhà, nếu không đủ xét tuyển thì về học trường công. Nhưng sau khi nghe tin thì tôi đã cho con mình nghỉ ngơi, không đi học thêm nữa", một phụ huynh khác bày tỏ.
Không ủng hộ vì chưa chắc đã giảm áp lực cho học sinh?
Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ thi tuyển vào lớp 6, thì nhiều phụ huynh khác cảm thấy hụt hẫng trước thay đổi đột ngột này của Bộ GD&ĐT. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng quyết định này có thể tăng thêm áp lực cho học sinh tiểu học.
Cũng trên diễn đàn mạng xã hội, một phụ huynh đặt câu hỏi về khái niệm "Trường chất lượng cao do Bộ GD&ĐT/Sở GD&ĐT" quản lý: "Chất lượng cao được xác định bằng yếu tố nào: chất lượng dạy học, chất lượng cao ở giáo viên, ở chương trình/ giáo trình học hay ở cơ sở vật chất? Nếu chất lượng cao về mặt cơ sở vật chất (trường chất lượng cao thu học phí cao hơn hẳn trường công lập) thì bây giờ rất nhiều trường THCS đang được xây mới hoặc xây lại dần và cơ sở vật chất sẽ tương đương hoặc tốt hơn các trường chất lượng cao. Còn nếu chất lượng cao ở chương trình học thì nên thi tuyển mới lọc được học sinh đủ tiêu chuẩn.
Thời nay, cách thức chấm điểm cấp 1 khác 20 - 30 năm trước nên hầu hết học bạ của học sinh đều đạt 9 - 10 điểm (không tính tiêu cực). Do đó nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ là không khả thi. Tuy nhiên nếu xét tuyển bằng giải thưởng thì học sinh cũng lại đi 'cày' giải thưởng, vậy mục tiêu giảm áp lực học tập cho học sinh tiểu học liệu có đạt được?", vị phụ huynh này thắc mắc.
Từng có con tham gia cuộc đua thi vào trường THCS chất lượng cao, chị L.Bách bày tỏ đồng cảm với tâm lý hụt hẫng của những phụ huynh có kế hoạch cho con ôn thi vào trường "điểm". Chị cho rằng: "Việc ôn thi và chuẩn bị chuyển cấp chậm nhất phải từ đầu lớp 5. Cá nhân tôi không ủng hộ nhưng cũng không phản đối nội dung của Thông tư mới, mà chỉ phản đối cách áp dụng... Nếu văn bản không đưa ra từ đầu năm học để học sinh có kế hoạch học tập trong cả năm thì cũng cần quy định hiệu lực từ đầu năm học tiếp theo, chứ không phải theo cách để cả nhà trường lẫn phụ huynh và học sinh bị đánh úp không kịp trở tay".
"Tôi không phản đối Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT nhưng cá nhân tôi nghĩ cần có lộ trình. Vấn đề giáo dục thì càng phải có hướng dẫn rõ ràng, tránh thay đổi đột ngột nhất là với học sinh tiểu học. Các con chủ yếu vẫn dựa trên định hướng của bố mẹ nhưng giờ bố mẹ cũng đang rất hoang mang", một phụ huynh khác nêu.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho rằng, việc bỏ thi tuyển lớp 6 đang làm giảm tính cạnh tranh và chất lượng đầu vào của các trường chuyên, cũng như cơ hội học tập của học sinh. Điển hình như P.N Quỳnh nêu ý kiến: "Việc lọc học sinh chất lượng cao là thuận lợi ban đầu cho con có môi trường học đồng đều, chưa kể từ chất lượng giáo viên, đến cơ sở vật chất, lộ trình giảng dạy... Chính vì thế việc tổ chức đánh giá năng lực đầu vào cho học sinh vẫn nên diễn ra".
"Trường chất lượng cao dành cho các bạn có tố chất và muốn vươn tới đỉnh cao trong học tập. Các bạn ấy sẽ hội tụ với nhau trong một môi trường đồng đều học lực, ý chí quyết tâm hướng tới chuyên cấp 3. Ai thấy khó thấy nản thì đúng tuyến công lập học, ai muốn phấn đấu cứ tiếp tục. Khả năng của các con rất khác nhau, sẽ rất khổ cho 1 đứa trẻ cứ phải ngồi nghe giảng những bài học mà nó không cần tốn 5 phút để làm xong, và ngược lại rất khổ cho 1 bạn nếu môn đó ngồi nghe giảng nâng cao hơn không hiểu gì... Thi tuyển kết hợp xét học bạ là cách rất tốt để lọc các tinh hoa nhé!", bạn đọc T.N. Hoa bày tỏ quan điểm.