Thực tế cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền thì cần một chế tài cứng rắn, bởi xét cho cùng hành vi chống đối ngoài việc thể hiện ý thức kém còn cho thấy rõ thái độ coi thường luật pháp, tính chất côn đồ và ngày càng manh động.
Chiều hướng gia tăng
Gõ trên công cụ tìm kiếm google cụm từ “chống đối CSGT”, có thể thu được trên 518.000 kết quả tương đương. Điều này cho thấy, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đều rất quan tâm đến vấn đề này.
Nhiều trường hợp người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có hành vi chống đối, lăng mạ CSGT đang làm nhiệm vụ đã gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ phớt lờ chỉ dẫn, hiệu lệnh của cán bộ CSGT làm nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường, nhiều trường hợp còn có hành vi chống đối, hành hung, đe dọa, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người thực thi công vụ.
Khoảng 9h ngày 30/11/2017, một tổ công tác của phòng 10, Cục Cảnh sát giao thông (C67 Bộ Công an) đang làm nhiệm vụ trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (thuộc địa phận phường Tân Long, TP Thái Nguyên, Thái Nguyên) thì phát hiện một xe máy lưu thông vào đường này. Thiếu tá Trần Văn Vang đã ra tín hiệu dừng xe nhưng tài xế không chấp hành mà còn điều khiển xe máy tăng ga, tông thẳng vào các chiến sỹ CSGT đang làm việc.
Cú đâm mạnh khiến hai CSGT ngã văng ra đường, trong đó Thiếu tá Trần Văn Vang bị thương rất nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện A Thái Nguyên ngay sau đó. Thời điểm vào bệnh viện, Thiếu tá Vang đã hôn mê, vỡ xương hàm và trán, gãy cẳng tay bên trái; người còn lại bị thương nhẹ hơn. Đến 17h cùng ngày, thiếu tá Trần Văn Vang đã tử vong tại bệnh viện.
Tương tự, trước đó, ngày 15/4 tại Km1872, trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn An Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ phát hiện xe tải (loại 5 tấn) BKS 60C-10762 không có đèn soi biển số. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện nhưng lái xe tiếp tục cho xe chạy khoảng 70 mét mới dừng lại.
Thiếu tá Lê Quang Minh, Tổ trưởng tiến lại xe phía gương hậu bên trái xe yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ kiểm tra nhưng lái xe không chấp hành, ngồi trên ca bin có hành vi chống đối và bất ngờ rồ ga, đánh lái bỏ chạy. Bị xe ôtô va vào người, đồng chí Minh ngã xuống đường và bị bánh sau xe tải cán vào phần bụng khiến cán bộ CSGT tử vong tại chỗ.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ đối với lái xe và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để điều tra hành vi sai phạm. Liên quan đến vụ việc, nhiều luật sư cho rằng, căn cứ theo lời khai của lái xe và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thì nhiều khả năng lái xe gây tai nạn sẽ phải đối diện với tội “Giết người” và mức độ này hoàn toàn phù hợp và có tác dụng răn đe ngăn ngừa các vụ tương tự phát sinh.
Cần xử lý nghiêm
Khách quan nhìn nhận, hiện hệ thống các văn bản luật liên quan đã quy định rất rõ chức năng và nhiệm vụ cụ thể của cả hai phía là lực lượng thực thi nhiệm vụ - CSGT và người vi phạm.
Cụ thể, theo Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 tại điều 3 quy định: Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ tại điểm 3 khi tiếp xúc với nhân dân, người có hành vi vi phạm pháp luật phải có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp với từng đối tượng được kiểm tra.
Tại mục 3 cũng ghi rõ: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý hành chính theo quy định của pháp luật, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và các giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu những điều này qua các vụ việc cho thấy, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung cũng như chống lại lực lượng CSGT vẫn gia tăng, trước tiên là do ý thức pháp luật của người dân còn yếu kém. Bên cạnh đó, hoạt động công vụ của không ít cán bộ, chiến sĩ CSGT còn chưa tuân thủ quy trình công tác, vi phạm các nguyên tắc trong xử lý vi phạm. Mặt khác, văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống còn hạn chế… khiến cho người tham gia giao thông và người vi phạm ức chế dẫn đến hành vi cản trở, chống đối.
Chia sẻ về vấn đề liên quan, theo Đại úy Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (CA thành phố Hà Nội), bản thân lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng cần nắm rõ đường lối xử lý, căn cứ pháp luật, ứng biến và đối đáp đầy đủ với người vi phạm giao thông nhằm tăng tính thuyết phục trong việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Ở đây nhấn mạnh yếu tố giải thích, thuyết phục, chứng minh giúp người vi phạm hiểu được lỗi của mình sẽ tự nguyện thi hành các yêu cầu của người thực thi nhiệm vụ và chấp nhận chế tài hành chính khi người thực thi nhiệm vụ đưa ra.
Thông qua các vụ việc, hành vi chống đối CSGT cho thấy, đã đến lúc cần một liều thuốc “đặc trị” hiệu quả hơn. Nói cách khác, ngoài việc tăng chế tài và xử lý nghiêm các vi phạm, để trị tận gốc các hành vi sai phạm, các ngành chức năng cần có chiến lược về tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ trong các cấp học tùy theo độ tuổi. Tích cực đẩy mạnh nhiều hơn nữa việc phổ biến dưới nhiều hình thức cho người dân nắm bắt cụ thể luật giao thông nhằm hạn chế việc tranh cãi về vi phạm pháp luật giao thông, dẫn đến các hành vi vi phạm khác… chỉ có thông qua việc đồng bộ các giải pháp như vậy, hành vi chống đối CSGT sẽ sớm được khắc phục, không còn tái diễn và nhức nhối như hiện tại.