Năm học đặc biệt
Không có những lễ bế giảng đầy cảm xúc chia tay năm học hay không khí vui tươi, phấn khởi chào đón một mùa hè sôi động. Thay vào đó, năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết thúc trong lặng lẽ, mở ra một mùa hè cũng đặc biệt không kém cho học sinh cả nước.
Mùa hè vốn là mùa được các bạn nhỏ yêu thích nhất trong năm bởi được nghỉ học, đi chơi cùng bạn bè, gia đình. Thời điểm này mọi năm, người người nhà nhà đã du lịch khắp nơi, lũ trẻ thì háo hức đi đây đó khám phá. Năm nay, mọi thứ đảo lộn, kế hoạch du lịch của các gia đình đều bị hoãn lại bởi COVID-19 diễn biến phức tạp từ Bắc vào Nam.
“Giờ này năm ngoái, tôi và các con đã đi vi vu vùng biển vài chuyến. Vậy mà từ đầu hè đến nay cả nhà vẫn chùn chân ở nhà. Cứ tưởng như năm ngoái tình hình dịch bệnh ổn thì trẻ con được gỡ lại bằng kỳ nghỉ hè, vui chơi sau khi đã học online cả kỳ. Năm nay thì đành vậy”, chị L.T.A (Hà Nội) chia sẻ.
Các trung tâm vui chơi giải trí, học ngoại ngữ, kỹ năng... những năm trước sôi động, hấp dẫn bao nhiêu thì năm nay đều “đóng băng” vì dịch bệnh. Mỗi mùa hè đến, do bận công việc, gia đình không thể đi du lịch được nên chị N.T.L (TP HCM) thường đăng kí cho con vào các trại hè, khoá học khám phá mùa hè…
Trước mùa hè năm nay, chị đã kỳ công tìm hiểu chương trình trại hè cho con trai đang học lớp 8. Chị cho biết: “Dịch bệnh nên nhiều trung tâm đều “đóng băng” các khoá hè. Trong năm tôi đã phải mất nhiều thời gian tham khảo khắp nơi mới có trung tâm có chương trình hè như mọi năm, nhưng cũng lưu ý thời gian bắt đầu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Cho đến bây giờ chương trình không thể khai giảng nên tôi đã được hoàn tiền”.
Còn có những bạn nhỏ chờ đợi cả mùa hè để được thi học kỳ II… Trước đó, vì tình hình dịch COVID-19, một số địa phương đã cho học sinh nghỉ hè sớm và hoãn thi học kỳ II. Chỉ một số trường kiểm tra cuối học kỳ II bằng phương thức trực tuyến để gói lại năm học. Hầu hết các trường, trong đó gần như 100% trường tiểu học, vẫn đang dừng chờ dịch Covid-19 được kiểm soát để “trả nợ” bài kiểm tra học kỳ II.
Sau khoảng hai tháng hè, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, học sinh đã bắt đầu trở lại trường và thực hiện bài kiểm tra cuối kỳ. Dù còn lạ lẫm sau khoảng thời gian dài ở nhà nhưng với việc ôn luyện kiến thức online thường xuyên, các em vẫn có thể hoàn thành tốt kỳ thi của mình. Đặc biệt tại Hà Nội, học sinh lớp 1, 2 được “bỏ” bài kiểm tra cuối năm. Bên cạnh đó, do tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên Hà Nội đã cho học sinh kiểm tra trực tuyến để tổng kết năm học trước ngày 10/8, thay vì kiểm tra tại trường như kế hoạch ban đầu. Như thế, học sinh vừa thi học kỳ kết thúc năm học đã chuẩn bị vào năm học mới,…
Học cùng con
Nhiều phụ huynh đau đầu không biết phải để trẻ làm gì, chơi gì trong suốt quãng thời gian nghỉ hè lại giãn cách xã hội vừa qua. Để tránh con cả ngày chỉ dùng điện thoại, máy tính bảng... nhiều gia đình giao “bài tập” cho con bằng những việc đầu tiên như quét nhà, đổ rác, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm thú cưng…
“Suốt mùa hè vừa qua, mình gặp khó khăn trong việc chăm con ở nhà. Bình thường mùa hè các bạn được đi du lịch hay về quê với ông bà vài tuần, mỗi lần đi như vậy về các con vui vẻ và phấn khởi hẳn lên. Giờ tình hình dịch các con phải ở nhà suốt, nhiều lúc mình cũng điên đầu vì phân xử các cuộc tranh giành hoặc phải luôn để mắt giám sát bọn nhóc không la cà trên mạng quá nhiều”, chị T.T (Hà Nội) tâm sự.
Trên Facebook cá nhân của siêu mẫu Hà Anh, những bài đăng về hoạt động của cô và con gái nhỏ trong kỳ nghỉ dịch luôn dành được nhiều lời khen ngợi. Siêu mẫu Hà Anh thường xuyên đưa hình ảnh cả gia đình cùng nhau tập bơi, đạp xe đạp, múa bale… Cô và con gái cũng hay vào bếp cùng nhau, khi thì làm nem cuốn, khi thì làm bánh… Dù con gái chỉ phụ mẹ ở những việc nhỏ nhưng cô bé rất sung sướng vì được góp công hoàn thành món ăn cùng mẹ.
Trên trang các nhân, MC Ninh Quang Trường để hàng trăm video gợi ý các trò chơi đơn giản nhưng hiệu quả với sự phát triển toàn diện của trẻ. Ông bố MC từng chia sẻ: “Ai cũng biết là trẻ được chơi nhiều với bố mẹ sẽ có nhiều tác dụng như phát triển thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, tình cảm hơn... Nhất là hiện nay khi các con bị “giam chân” trong nhà lâu, năng lượng không được giải tỏa nên việc chúng sẽ quấy, phá và ăn vạ là đương nhiên. Cũng có không ít bậc phụ huynh sẵn sàng dành thời gian chơi cùng con nhưng lại chưa biết các phương pháp hay để tổ chức chơi một cách an toàn, hấp dẫn. Đúng là dễ như chơi mà chơi không hề dễ”.