Vị thế của Việt Nam kể từ khi bắt đầu bước vào bàn đàm phán cho đến khi Mỹ buộc phải đặt bút ký vào Hiệp định Paris, chính thức thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đã có nhiều khác biệt cơ bản.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh tư liệu |
Quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris có thể chia thành 2 giai đoạn, từ tháng 5/1968 đến tháng 10/1968. Ở giai đoạn 1, cuộc đàm phán diễn ra giữa 2 bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ buộc phải ngừng ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và ngồi đàm phán với Việt Nam tại Paris sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968. Cuộc đàm phán chính thức bắt đầu ngày 15/3/1968 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đường Kléber, Paris, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: vừa đọ sức trên mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.
Nhiệm vụ của đối ngoại giai đoạn này là dùng đàm phán để tiến công cô lập địch; vạch trần âm mưu của địch kéo dài chiến tranh, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động; tranh thủ dư luận phục vụ cho cuộc đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường; yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam.
Kết thúc giai đoạn này, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc và các hành động khác, chấp nhận ngồi nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại hội nghị 4 bên.
Giai đoạn thứ 2 của cuộc đàm phán là các cuộc thương thảo giữa 4 bên: Đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa. Đặc trưng của đàm phán giai đoạn này là việc diễn ra đồng thời 2 diễn đàn: đàm phán công khai 4 bên và các cuộc gặp riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger.
Ngày 8/10/1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và dự thảo Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề chính trị và quân sự liên quan đến Mỹ như yêu cầu Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, ngừng bắn, Mỹ rút quân…
Đến ngày 20/10/1972, hai bên đã đạt được thỏa thuận, dự định ký Hiệp định vào ngày 31/10/1972. Với thỏa thuận này, Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đề ra là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Nhưng đến ngày 22/10/1972, phía Hoa Kỳ lật lọng, không giữ lời hứa, viện những lý do không chính đáng để liên tiếp thay đổi những điều thuộc nội dung Hiệp định và thời gian đã thỏa thuận. Đến giữa tháng 12/1972, do không đạt được những đòi hỏi của mình, Hoa Kỳ ngừng cuộc đàm phán và mở cuộc tiến công 12 ngày đêm bằng máy bay B52 vào Hà Nội và miền Bắc.
Tuy nhiên, chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán. Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng cố vấn an ninh quốc gia Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973, 4 ngoại trưởng 4 bên dự Hội nghị Paris đã chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hiệp định Paris thắng lợi vang dội của nền ngoại giao trước những nhà đàm phán lão làng của một quốc gia hàng đầu thế giới. Trong suốt quá trình đàm phán, đoàn Đàm phán đã tìm tòi, xây dựng lập luận sắc bén, có sức tấn công, thuyết phục về những vấn đề quan trọng như quân miền Bắc ở lại miền Nam và quân Hoa Kỳ, chư hầu phải rút khỏi Việt Nam, tranh thủ thời cơ, tận dụng những chiến thắng về mặt quân sự để từng bước tạo sức ép trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải cuốn xéo, trả lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Minh Ngọc