Nhớ Tết Độc lập của người Mường ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, được tiếp biến, bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên những giá trị trường tồn.

Nhảy sạp - nét văn hoá của người Mường.
Nhảy sạp - nét văn hoá của người Mường.

Với người Mường ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, Tết Độc lập là ngày tết lớn thứ 2 của người Mường sau Tết Nguyên đán được duy trì kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2-9-1945) đến nay.

Đây là dịp để người Mường chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn mừng con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc cùng về quây quần, sum họp bên nhau ăn Tết Tết Độc lập. Trong ngày Tết, mọi người sẽ mời nhau vài ly rượu, dành cho nhau những lời chúc tốt lành nhất.

Một số trò chơi dân gian trong ngày Tết Độc lập của người Mường ở Kon Tum

Một số trò chơi dân gian trong ngày Tết Độc lập của người Mường ở Kon Tum

Anh Bùi Văn Hiến, Trưởng thôn Hào Lý, xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi, Kon Tum chia sẻ: “Muốn ngày lễ được tươm tất, nhiều nhà chung sẵn một con lợn để dành thịt vào buổi sáng ngày Tết, làm mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống dâng lên tổ tiên. Để chuẩn bị cho ngày lễ, các gia đình dân tộc người Mường đều tập trung cùng nhau chuẩn bị thực phẩm, hầu như nhà nào cũng có thịt lợn, thịt gà,… không khí vui vẻ, rộn ràng như đêm đón giao thừa Tết Nguyên đán. Điều đặc biệt, chương trình hoàn toàn do bà con trong thôn tự nguyện tổ chức, tự đạo diễn và điều hành cùng với sự tham gia nhiệt tình của đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh và đoàn thể mặt trận của xã".

Sáng sớm, ngày Tết Độc lập khi mặt trời còn chưa kịp ló qua dãy núi thì nhiều gia đình trong bản đã lục đục gọi nhau thức giấc. Làn khói bếp từ những ngôi nhà trong thôn bắt đầu tỏa lên nghi ngút. Nhà nào cũng có lá cờ đỏ được dựng lên trước ngõ bay phấp phới, không khí rất vui tươi và háo hức chuẩn bị cho ngày lễ...

Hiện nay, thôn có trên 140 hộ, với gần 580 nhân khẩu, toàn bộ là người dân tộc Mường từ tỉnh Hòa Bình vào lập nghiệp từ những năm 1991. Mặc dù, không phải là vùng Mường lớn, nhưng theo anh Hiến và người dân ở xã Sa Loong chia sẻ, không khí đón Tết Độc lập tràn ngập bản làng. Đặc biệt, trong ngày tết Độc lập, người Mường không chỉ tổ chức vui chơi, lễ hội, chuẩn bị mâm cỗ để cúng lễ tổ tiên… mà ngày này, còn là dịp để nhiều người Mường tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mường nói riêng.

Tết Độc lập của người Mường ở xã Sa Loong trở thành nét văn hoá, bản sắc riêng.
Tết Độc lập của người Mường ở xã Sa Loong trở thành nét văn hoá, bản sắc riêng.

Có thể nói, quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường từ những ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, tiếng nói, nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian đến công cụ lao động sản xuất, luôn được chính quyền địa phương và người dân nơi đây chú trọng và lưu giữ phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.

Đọc thêm