Nhức nhối nạn phá rừng ở Hà Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng loạt những vụ án liên quan đến phá rừng đã được cơ quan chức năng xử lý, song tình trạng phá rừng ở nhiều nơi tại tỉnh Hà Giang vẫn còn phức tạp. Sau khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, nhóm phóng viên Báo PLVN đã vào cuộc tìm hiểu.
“Đại công trường” khai thác gỗ tạp tại thôn Khuổi Le, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang.
“Đại công trường” khai thác gỗ tạp tại thôn Khuổi Le, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang.

Cận cảnh rừng bị “xẻ thịt”

Thời gian qua, theo phản ánh của người dân, tình trạng phá rừng tự nhiên ở các xã: Tiên Yên, Xuân Giang, Nà Khương, Bản Rịa, Tân Nam… huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) diễn ra phức tạp. Theo tìm hiểu của PV, chỉ trong buổi chiều ngày 9/5/2021, nhiều chuyến xe tải đã lần lượt thay nhau chở gỗ tạp đổ vào xưởng bóc gỗ của ông Nguyễn Trung K. ở thôn Yên Chàm (xã Tiên Yên, huyện Quang Bình). Đi dọc theo cánh rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Nà Khương (huyện Quang Bình), hình ảnh người dân khai thác, vận chuyển gỗ tạp diễn ra công khai ngay cạnh đường liên xã.

Khi màn đêm buông xuống, khoảng 21h, người ta dễ thấy cảnh nườm nượp chở những khúc gỗ cắt khúc sẵn bằng xe máy, xe cải tiến hướng đến những xưởng bóc ở xã Xuân Giang, Tiên Yên. Đặc biệt, theo dõi ngay tại lối vào xưởng của bà Vũ Thị T. L, (thôn Kiêu, xã Xuân Giang), PV ghi nhận cứ khoảng một giờ có đến hàng chục chuyến xe được người dân chở vào xưởng.

Ở diễn biến khác, PV cũng ghi nhận tại xưởng bóc gỗ của ông Đỗ Văn Th. tại trung tâm xã Tân Nam, huyện Quang Bình chiều ngày 13-14/5 đang chờ sơ chế số lượng lớn gỗ tự nhiên. Lúc này, gỗ tạp ngoài tập kết tại xưởng còn được tập kết ở bờ suối, ven đường chờ thời cơ thích hợp để đưa về cơ sở sản xuất.

Thực trạng trên còn diễn ra tại các xã Yên Thành, Bản Rịa. Đi dọc theo đường vào Bản Rịa thời điểm chập tối ngày 12/5, người viết ghi nhận hình ảnh người dân tập kết gỗ dọc ngay ven đường để chờ xe tải đưa về xưởng. Việc vận chuyển gỗ tự nhiên đến các xưởng bóc được thực hiện công khai lẫn lén lút đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chủ rừng và người giữ rừng ở đâu?

Để tìm hiểu sự thật, PV men theo lối mòn lên địa điểm những đối tượng phá rừng kéo gỗ ra ngoài bán và choáng ngợp bởi thực tế rừng bị “xẻ thịt”. Con đường mòn đi sâu vào trong rừng tại thôn Bản Tát, xã Xuân Giang cách đường liên xã chỉ khoảng 300m là “đại công trường” gỗ rừng mới, cũ đang nằm la liệt, cây đã bị xẻ mang đi, có cây còn đang nằm chờ “lâm tặc” khiêng, không khỏi khiến chúng tôi xót xa.

Lại nói đến những xưởng bóc, nơi mà điểm cuối gỗ rừng tự nhiên sẽ được tập kết, nếu như không được phát hiện kịp thời sẽ chẳng có lực lượng chức năng nào nhận ra đâu là gỗ tạp, đâu là gỗ sản xuất nếu như được bóc thành ván. Chính vì thế, để tiếp sức cho lực lượng chức năng địa phương, phóng viên đã thông tin, đồng thời gửi hình ảnh ghi nhận được đến lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Giang. Đồng thời, người này cho biết sẽ chỉ đạo ngay trong đêm để kiểm tra những xưởng gỗ đã được PV cung cấp thông tin.

Theo Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quang Bình số 53/BC-HKL ngày 11/5/2021, qua kiểm tra tại xưởng ván bóc của ông Nguyễn Trung K. vào hồi 22h ngày 9/5/2021, phát hiện có 59 khúc gỗ tự nhiên không có nguồn gốc, khối lượng 3,067m3. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, đồng thời thu giữ số gỗ trên để làm rõ.

Ngoài những xưởng ván bóc kể trên, một xưởng bóc ván tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình cũng xuất hiện nhiều gỗ tạp để lẫn với gỗ tự nhiên. Đi dọc theo đường lên xã Bản Rịa, PV tiếp tục phát hiện nhiều khúc gỗ cắt sẵn thành từng mét tập kết ven đường chuẩn bị được bốc về các xưởng tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình.

Gỗ tự nhiên tại Bản Tát, xã Xuân Giang bị hạ xuống chuẩn bị được vận chuyển đi nơi khác.

Gỗ tự nhiên tại Bản Tát, xã Xuân Giang bị hạ xuống chuẩn bị được vận chuyển đi nơi khác.

Gỗ được đưa về tập kết gỗ tại xưởng bóc tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Gỗ được đưa về tập kết gỗ tại xưởng bóc tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình.

Chi cục Kiểm lâm Hà Giang nói gì?

Trong một diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các ngành, huyện tập trung làm rõ thông tin Báo PLVN phản ánh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo: Giao UBND huyện Quang Bình thành lập Tổ công tác của huyện xuống hiện trường kiểm tra, xác minh và ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng tự nhiên trái phép tại một số xã.

Đồng thời có những đánh giá cụ thể thiệt hại, xác định nguyên nhân, lý do, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Làm rõ việc phản ánh phá rừng tự nhiên, việc nườm nượp chở những khúc gỗ cắt khúc, việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở ván bóc. Bên cạnh đó, xác định nguồn gốc xuất xứ lâm sản người dân bán cho các xưởng ván bóc và việc chậm trễ kiểm tra của lực lượng chức năng khi đã tiếp nhận thông tin phản ánh.

Ông Lý Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: “Sau khi nắm bắt thông tin từ báo chí, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán gỗ tự nhiên trái phép. Đặc biệt đã xử lý hành chính đối tượng tên Thèn Minh và yêu cầu sẽ xử lý hình sự một người tên Trường”.

Từ thực tế trên cho thấy, mỗi địa phương muốn bảo vệ rừng thì trước hết chủ rừng, người bảo vệ rừng cần phải trung thực, mạnh tay hơn nữa trước những sai phạm của người dân cũng như doanh nghiệp. Và rõ ràng thực trạng rừng tự nhiên hiện nay đang bị tàn phá là không thể chối cãi, việc cho phép các xưởng gỗ “mọc lên” gần rừng tự nhiên đồng nghĩa với nguy cơ mất rừng rất lớn. Và như nhiều người dân địa phương nói với phóng viên Báo PLVN về việc giữ rừng đó là đừng để khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Để làm rõ về trách nhiệm của người bảo vệ rừng tại địa phương này, PV Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang. Ông Đông cho biết, sau khi nhận được hình ảnh thực tế mà phóng viên cung cấp, lãnh đạo Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình tổ chức kiểm tra tất cả các địa phương có tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ tự nhiên trên địa bàn và khẳng định vấn đề này lãnh đạo Chi cục cũng đang trăn trở.

“Chi cục đã giao phòng chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, Chi cục trưởng đã cùng với lãnh đạo các phòng trực tiếp làm việc với UBND các xã, nơi mà phóng viên đã ghi nhận. Qua đó kiểm tra vai trò của Hạt Kiểm lâm địa phương, Trạm Kiểm lâm phụ trách địa bàn; nắm tình hình về trách nhiệm quản lý rừng, của các chủ rừng, trách nhiệm của chính quyền địa phương và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”.

“Sau khi xem xét mức độ phức tạp của tình trạng phá rừng mà báo chí phản ánh, đồng thời nhận thấy trách nhiệm của Trạm Kiểm lâm xã Xuân Giang, huyện Quang Bình khi nhiều lần để xảy ra thực trạng phá rừng tự nhiên cả trước đó và hiện tại gây bức xúc trong dư luận. Chi cục Kiểm lâm Hà Giang đã đề nghị cách chức Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Xuân Giang, hiện đang đợi quyết định của Giám đốc Sở Nông nghiệp vì giám đốc mới có quyền cách chức chức vụ này” - ông Đông nói.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Lãnh đạo Chính phủ từng nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ rừng có trách nhiệm rất lớn của các địa phương và yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Cùng với đó là kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Đọc thêm