Trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có em mười mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ đi xâm hại. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Trung bình 7 trẻ bị xâm hại mỗi ngày
Theo số liệu thống kê, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 6.432 em; bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức xâm hại khác là 1.314 em.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình, cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.
Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất, nổi lên trong giai đoạn này là xâm hại tình dục, với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận.
Trong đó, 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại, như Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Đồng Nai.
Qua giám sát cũng cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Môi trường học ngỡ như trẻ được an toàn nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức (hiếp dâm tập thể, bảo vệ trường xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh… Điển hình, vụ việc ba trẻ em Trường tiểu học Đồng Hóa B (huyện Kim Bảng, Hà Nam) bị xâm hại tình dục; bảy trẻ ở Trường tiểu học Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu); 13 trẻ ở Trường tiểu học - THCS Tam Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương); 9 trẻ thuộc Trường tiểu học xã An Thượng A (huyện Hoài Đức, Hà Nội); hàng loạt trẻ em từ 12-14 tuổi trường dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục….
Những năm gần đây, dư luận bàng hoàng và phẫn nộ khi một số trẻ bị chính người thân mình xâm hại. Dù đó là con gái hay cháu ruột của mình, nhưng những người làm bố, làm ông nội này không tha. Đau đớn hơn, có người còn dùng dao dọa giết, bắt uống thuốc ngừa thai chỉ để được cưỡng hiếp máu mủ của mình nhiều lần. Đây là một tội ác và càng không thể chấp nhận được khi phạm tội ngay chính với người cùng dòng máu trực hệ là điều kinh hoàng trong xã hội văn minh. Nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động. Bởi lẽ giờ đây, ngay cả ngôi nhà cũng không còn là chốn an toàn tuyệt đối với con trẻ khi ngay cả cha ruột và ông nội cũng có thể xâm hại chính con gái/cháu gái mình.
Ngày 28/2/2020, Viện KSND huyện Đắk G’long (Đắk Nông) đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với P.V.T. (35 tuổi, trú xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) để điều tra về hành vi “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. T. bị tố cáo nhiều lần hiếp dâm con gái ruột. Theo thông tin ban đầu, T. là cha ruột của cháu H. (14 tuổi). Từ tháng 5/2019 đến ngày 3/2/2020, T. đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu H. tại nhà. Sau mỗi lần thực hiện hành vi đồi bại, T. đều đưa thuốc tránh thai cho cháu H. uống và dặn con gái không được nói với ai, nếu không T. sẽ giết cháu. Đến ngày 14/2, cháu H. đã kể toàn bộ sự việc cho mẹ mình biết. Mẹ cháu H. liền đưa cháu H. sang ở nhờ nhà người thân và làm đơn tố cáo hành vi của T. đến cơ quan chức năng.
TAND tỉnh Kon Tum vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt 20 năm tù đối với bị cáo A Dủ (SN 1989, trú thị trấn Đak Glei, huyện Đak Glei, Kon Tum) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo cáo trạng, từ tháng 3 đến ngày 26/4/2019, A Dủ đã nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm con gái ruột tám tuổi của mình là cháu Tr. (SN 2011) tại các địa điểm khác nhau.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã hỗ trợ, can thiệp 214 ca xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 và 250 ca năm 2018. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen, hàng xóm là 59,06%; người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,12% và bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%...
Cần dạy trẻ cách phòng tránh nạn xâm hại tình dục
Theo PGS Trịnh Hòa Bình, đằng sau những vụ án đau lòng là câu chuyện giáo dục gia đình chưa đến nơi đến chốn, giáo dục tâm - sinh lý còn lơ là. Ngày nay, người ta tiếp xúc với phim, ảnh sex rất nhiều, bị kích động bởi rất nhiều thứ khác có thể dẫn tới hành vi cuồng dâm”.
Tại Diễn đàn về phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Mạng Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức), các chuyên gia khẳng định chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng cho rằng: “Trong nhận thức của xã hội nói chung, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là của những cá nhân không tuân thủ các chuẩn mực giới truyền thống hoặc không được dạy dỗ để tuân thủ các chuẩn mực đó. Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó”.
Trước thực trạng này, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm; Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Cùng với đó, các ngành Giáo dục và Đào tạo cần sớm đưa nội dung giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi vào chương trình học để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống xấu nhất; ngành y tế phải có các dịch vụ y tế, tâm lý hỗ trợ cho những trẻ em bị xâm hại tình dục; ngành công an phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án mà trẻ em bị xâm hại tình dục để các vụ án trên được triển khai nhanh, kịp thời nhằm tìm ra thủ phạm, đảm bảo tư pháp thân thiện với trẻ em...
Bố mẹ, người thân và giáo viên dạy trẻ: một số bộ phận cơ thể là "bất khả xâm phạm". Nói với trẻ rằng có những bộ phận cơ thể gọi là vùng riêng tư vì không ai được phép nhìn thấy; Dạy trẻ rằng bất kỳ tình huống nào, không ai được chạm vào vùng kín của trẻ và không ai có thể ra lệnh cho con chạm vào vùng kín của người khác. Cha mẹ rất hay quên vế thứ hai.
Những kẻ lạm dụng tình dục thường yêu cầu trẻ tự chạm vào vùng kín của trẻ hoặc người khác; Hầu hết những kẻ xâm hại sẽ dặn trẻ con rằng không được kể cho ai về hành vi đồi bại đó. Chúng có thể dỗ ngọt rằng "Chú thích chơi với con nhưng con mà kể ra thì người ta không cho cô/ chú đến", hoặc chúng có thể đe dọa trẻ "Đây là bí mật của riêng chúng ta. Nếu con kể cho người khác nghe, chú sẽ nói là con đòi làm như vậy, thế nào con cũng bị phạt".
Cha mẹ nên bảo con rằng dù ai có nói gì đi chăng nữa thì giấu giếm những bí mật là không tốt. Khi có ai muốn con làm thế, phải nói ngay với bố mẹ; Không ai được chụp ảnh vùng cơ thể riêng tư của con; Dạy con cách thoát khỏi tình huống đáng sợ hoặc không thoải mái; Dạy trẻ “mật mã riêng” để chỉ những tình huống không an toàn hoặc muốn bố mẹ đón; Nói với con rằng chúng sẽ không bao giờ gặp rắc rối khi nói với bạn bí mật cơ thể; Dạy con hiểu đúng về các hành vi động chạm…
Điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương cho con cái về lối sống lành mạnh, tạo sự tin tưởng và chở che cho các con. Phụ huynh hãy dành thời gian trò chuyện hàng ngày để hiểu và kịp thời hỗ trợ khi con mình gặp khó khăn.