Băn khoăn những khoản thu “tự nguyện”
Niên học 2023 - 2024 mới bắt đầu được hơn một tháng, nhưng hàng loạt khoản thu “trên trời” của nhiều trường học đang gây xôn xao dư luận. Mới đây là câu chuyện của một lớp thuộc Trường Tiểu học H.H ở TP HCM với tổng số tiền thu “quỹ phụ huynh” cho học kỳ I lên đến 310 triệu đồng. Một danh sách dài những khoản chi được giáo viên chủ nhiệm lớp đưa ra từ tiền hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm, đến tiền mạng, cước phí điện thoại cho thầy, cô giáo… và khoản thu lớn nhất tới từ việc sửa chữa lớp cho 32 học sinh lên đến hơn 200 triệu đồng. Mỗi phụ huynh tại lớp này trung bình phải đóng 9,6 triệu đồng cho học kỳ đầu. Tuy nhiên, chưa hết 2 tháng đầu năm, lớp học này đã tiêu tốn 260 triệu, tiền quỹ chỉ còn 52 triệu.
Việc “lạm thu” quỹ phụ huynh cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Một trường cấp 3 ở tỉnh Hải Dương đã gửi cho phụ huynh danh sách “chi chít” những con số phải đóng cho học kỳ I (niên học 2023 - 2024). Ngoài học phí 420 nghìn đồng/kỳ, nhà trường còn đưa ra hàng loạt khoản phí khác như tiền gửi xe hơn 300 nghìn đồng/học sinh, đến tiền mua vở ghi, tiền khảo sát, tiền nước uống, làm thẻ,… cũng được nhà trường “liệt kê” trong danh sách và gửi đến từng phụ huynh. Với 21 đầu mục các khoản tiền “tự nguyện”, phụ huynh phải nộp hơn 8 triệu đồng cho một em.
Thực tế, quỹ phụ huynh không còn lạ lẫm đối với các gia đình. Đây thường là khoản phí do phụ huynh tự nguyện góp vào để tổ chức liên hoan, vui chơi, tặng quà kết thúc năm học cho học sinh. Tuy nhiên, những khoản thu này ngày càng biến tướng, thậm chí trở nên vô lý. Như trường cấp 3 ở tỉnh Hải Dương, theo quy định của Sở GD&ĐT tỉnh này, các khoản thu nhà trường triển khai tại cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm chưa đúng với Nghị quyết 08/2022 của HĐND tỉnh Hải Dương và các văn bản hiện hành. Theo đó, có 6 khoản thu nhà trường triển khai không có trong quy định, gồm: tiền mua vở ghi, mua ghế ngồi, khảo sát, kiểm tra chung, quỹ lớp, nhà trường đưa ra thu theo thỏa thuận), tiền mua sách giáo khoa (nhà trường đưa ra thu theo giá thực tế). Ngoài 6 khoản thu tiền sai, nhà trường còn “đội” giá lên với 3 khoản thu khác là tiền nước uống (nhà trường đưa ra thu 100.000 đồng/năm, quy định thu 63.000 đồng/năm), tiền làm thẻ học sinh (nhà trường đưa ra thu 35.000 đồng/thẻ, quy định thu 30.000 đồng/thẻ), tiền sổ liên lạc điện tử (nhà trường đưa ra thu 100.000 đồng/năm/học sinh, quy định thu 90.000 đồng/năm/học sinh).
Việc thu quỹ một cách bừa bãi, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của các gia đình. Căn cứ theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2022 về tình hình lao động quý IV, thu nhập bình quân của một người lao động là 6,7 triệu đồng/tháng. Chưa kể đến tiền học phí, học thêm bên ngoài, chỉ riêng tiền quỹ lớp cho học sinh trong một kỳ đã hơn 1 tháng lương trung bình của người Việt Nam. Đáng buồn, những khoản thu sai quy định, được “đội” lên vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng, lại phục vụ cho những việc như mua máy tính cho giáo viên, đóng tiền nhắn tin trên điện thoại giữa nhà trường với phụ huynh,…
Không để quỹ phụ huynh bị biến tướng
Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào tháng 6/2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Hoàng Minh Sơn đã khẳng định: “Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu học phí của các cơ sở giáo dục để bảo đảm đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu trong năm học mới”.
Ngay từ đầu niên học 2023 - 2024, trao đổi với báo chí, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhấn mạnh việc hiệu trưởng hoặc các cơ quan lãnh đạo sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí chuyển công tác để điều tra, nếu nhà trường cố tình sai phạm, lạm thu tiền của phụ huynh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.
Nhưng để nhận biết đúng về các khoản thu trong nhà trường, bắt buộc mỗi phụ huynh phải tự tìm hiểu về quy định của Bộ GD&ĐT, cũng như Sở GD&ĐT ở nơi sinh sống để tránh bị nhà trường lạm thu. Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của người học hoặc gia đình người học 8 khoản tiền. Thứ nhất là các khoản thu không theo nguyên tắc tự nguyện. Thứ hai các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đối với quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết số 03 ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội, đã quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục. Trong đó có 9 khoản tiền được phép thu vào niên học 2023 - 2024, gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi/ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu BHYT học sinh; Thu, chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu, chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
Khi phát hiện ra sai phạm trong việc thu quỹ của nhà trường, phụ huynh và giáo viên có thể phản ánh đến các cơ quan quản lý để được giải quyết. Nếu sai phạm xảy ra nhẹ, Ban lãnh đạo trường, Ban đại diện trường (ví dụ như Hội phụ huynh) sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 186/2013/TT-BTC quy định về hành vi vi phạm quy định về mức phí, lệ phí, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng - 50.000.000 triệu đồng tùy thuộc vào số tiền đã lạm thu.
Tuy nhiên, nếu việc lạm thu xảy ra nặng hơn, các cá nhân/tổ chức vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, lãnh đạo nhà trường đưa ra mức thu như vậy nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân và khác với thông báo, kế hoạch ban đầu, thì hành vi lạm thu này sẽ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017). Còn theo Điều 355, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, người vi phạm không những bị kỷ luật mà còn vướng vòng lao lý, trường hợp nặng nhất phải thụ án tù giam.