Những cái ôm thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời đại 4.0, với sự phát triển của công nghệ, con người ngày càng sở hữu nhiều hình thức giao tiếp phong phú. Trong đó, mạng xã hội là một hình thức có những tính năng vượt trội, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống hay thậm chí là những cái ôm online mang giá trị động viên rất thực.
Những cái ôm thời 4.0 thông qua màn hình nhỏ. (Ảnh: baohaiduong.vn)
Những cái ôm thời 4.0 thông qua màn hình nhỏ. (Ảnh: baohaiduong.vn)

Ôm online - hình tượng hóa của lời yêu

Từng là một vận động viên thể thao theo đuổi bộ môn nhảy cao, anh Đ.T.D. (32 tuổi, Hà Nội) giờ đây đã tạm dừng ước mơ còn dang dở đó để hiện thực hoá ước mơ cả đời của mình là trở thành một người phụ nữ. Hơn một năm nay, anh D. đã được sống thật với giới tính của mình khi tiến hành phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ. Thế nhưng, đến hiện tại gia đình anh vẫn chưa sẵn sàng tinh thần để chấp nhận lựa chọn của anh, vậy nên 2 năm nay anh không dám về nhà hay nói chuyện với bố mẹ.

Cũng vì lí do đó mà khi chuẩn bị bước vào hai cuộc đại phẫu của cuộc đời anh không có gia đình bên cạnh, vậy nhưng anh lại có sự đồng hành từ xa của những người bạn trên mạng xã hội: “Tôi vẫn luôn ước gia đình sẽ bên cạnh động viên tôi vào thời khắc tôi nằm trên bàn mổ. Nhưng ước mơ không thành sự thật, trước khi đến ngày phẫu thuật tôi đã khóc rất nhiều, một phần vì sợ, một phần vì tủi thân. Nhưng rất may mắn khi ngày đó tôi có những chị em trong cộng đồng người đẹp chuyển giới đã động viên, khích lệ tinh thần mình”.

Khi câu chuyện trải lòng của anh D. được đăng tải trên nhóm, ngay lập tức anh nhận được những bình luận như: “Thương bạn và thương chúng mình lắm. Gửi đến bạn cái ôm nhé, cố gắng lên”, “Ôm anh thật nhiều, tình hình cuộc phẫu thuật thế nào anh nhớ cập nhật cho mọi người biết nhé, mọi người luôn bên cạnh anh”… và còn rất nhiều lời động viên, quan tâm khác được gửi đến.

Có thể thấy, dù là những người xa lạ, thế nhưng chỉ qua một vài bình luận trên mạng lại có thể đem đến cả một bầu trời ấm áp cho người khác. Có lẽ chưa bao giờ một cái ôm lại trở nên dễ dàng đến thế, dù là ai, ở đâu, giới tính gì cũng không thể ngăn cách nếu chúng ta muốn gửi cái ôm cho ai đó. Nhờ có Internet và các mạng xã hội mà giờ đây cái ôm không chỉ được thực hiện khi tiếp xúc cơ thể trực tiếp mà còn có thể được thực hiện online, lúc này cái ôm là hình tượng hoá của những lời sẻ chia yêu thương, an ủi, khích lệ đến từ sự quan tâm chân thành.

Trở lại thời COVID-19, khi mà vấn đề “khoảng cách” luôn được đưa ra để khuyến cáo thì trong nhiều tình huống, cái ôm lại trở thành một thứ thật xa xỉ. Do đó, bằng nhiều cách khác nhau, những cái ôm vẫn được diễn ra chỉ có điều là thông qua màn hình nhỏ. Nhớ lại những ngày giữa bối cảnh dịch bệnh, chị T.Loan (28 tuổi, Quảng Ninh) lại nghẹn ngào không nói nên lời khi nghĩ lại khoảng thời gian khó khăn của hai mẹ con chị.

“Thời điểm dịch diễn ra, tôi và các đồng nghiệp được điều động đến Thủ đô để tham gia chống dịch. Lúc đó con gái tôi mới có hơn 2 tuổi nên vẫn còn quấn mẹ lắm, không có mẹ là không chịu ăn, ngủ. Nhưng vì công việc nên tôi đành để con lại cho bố chăm. Xa nhau, mẹ nhớ con, con đòi mẹ, thương lắm nhưng hai mẹ con chỉ có thể gặp nhau qua những lần gọi video trên điện thoại. Ấy vậy mà những cuộc gọi từ khoảng cách xa đó lại là liều thuốc tinh thần kéo hai mẹ con lại gần nhau hơn. Chưa bao giờ tôi mong được trao đi yêu thương, cái ôm thông qua màn hình nhỏ đến vậy”, chị T.Loan xúc động chia sẻ.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống, thói quen của tất cả mọi người trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chúng ta đang học cách để thích nghi với sự thay đổi đó, ngay cả với cách để chia sẻ tình yêu thương, truyền cảm hứng qua những cái ôm online. Dù không phải là một cái ôm trực tiếp nhưng vẫn gửi trao trọn vẹn xúc cảm và sức mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, cái ôm online còn là câu chuyện về hy vọng và tình yêu trong lúc khó khăn nhất.

Gieo hạt giống lành trên mạng xã hội

Phụ huynh trao gửi yêu thương, động viên tinh thần con qua những cái ôm. (Ảnh: Internet)

Phụ huynh trao gửi yêu thương, động viên tinh thần con qua những cái ôm. (Ảnh: Internet)

Đầu tháng 8/2023, sau khi đội tuyển nữ Việt Nam phải sớm chia tay World Cup 2023 từ vòng đấu bảng, nhiều người đã lo ngại rằng cư dân mạng sẽ quay lưng, chỉ trích các cô gái khi chịu thất bại cả 3 trận đấu và không ghi được bàn thắng nào. Thế nhưng, ngược lại với tưởng tượng, không ít cư dân mạng tại Việt Nam đã gửi những lời động viên, khích lệ đội tuyển nữ, hy vọng các cô gái vẫn sẽ tiếp tục giữ vững sự tự tin, phong độ thi đấu để có thể tiếp tục góp mặt tại các kỳ World Cup tiếp theo.

“Các cô gái đã cố gắng hết sức mình nên không có gì phải buồn hết. Dù kết quả có thế nào chúng ta đã có bước đầu sánh vai với các cường quốc năm châu. Vậy là đủ rồi, cố lên các cô gái vàng” hay “Gửi thật nhiều cái ôm đến các nàng, những cô gái mạnh mẽ của đất nước, các em đã làm nên lịch sử. Cảm ơn các cô gái, chúc các em mãi vui khoẻ và luôn là các cô gái vàng của Việt Nam” là 2 trong số hàng triệu lời động viên, khích lệ tinh thần các cô gái trong lần đầu tiên “bơi ra biển lớn”.

Hay có một thời gian, dân mạng rủ nhau tham gia trào lưu “Nói lời yêu thương” thông qua mạng xã hội. Trên các trang mạng xã hội có nhiều người dùng nói lời yêu thương bỗng nhiên trở thành trào lưu được mọi người yêu thích. “Lần đầu tiên trong đời tôi gửi tin nhắn nói: Con yêu mẹ. Là lời đã muốn nói từ lâu nhưng vì ngại nên chưa nói trực tiếp với mẹ bao giờ. Nên đành nhờ mạng xã hội gửi lời yêu để bày tỏ lòng tình yêu dành cho mẹ”, người dùng H.T.H bình luận trên mạng xã hội Facebook. Chẳng những nói lời yêu thương với ba mẹ, nhiều người dùng đã áp dụng trào lưu này trong nhiều mối quan hệ khác hay kể cả những người lạ.

Nhờ mạng xã hội để nói những lời chưa từng thổ lộ. (Ảnh chụp màn hình)

Nhờ mạng xã hội để nói những lời chưa từng thổ lộ. (Ảnh chụp màn hình)

Khích lệ, động viên được xem là món quà ý nghĩa, đôi khi có tác động, ảnh hưởng đến cả đời người. Có người dám tiến lên phía trước đương đầu với những khó khăn, dám can đảm làm lại từ đầu khi thất bại, dám kiên trì theo đuổi ước mơ... một phần cũng nhờ vào những lời động viên, khích lệ từ những người xung quanh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những lời hay ý đẹp, những cái ôm được lan toả trên không gian mạng. Tại Việt Nam, mạng xã hội trở thành nền tảng quan trọng với hơn 70 triệu người tham gia, dù được coi là nền tảng có các tính năng vượt bậc góp phần lan toả những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng cũng không thể phủ nhận những hậu quả tiêu cực mà mạng xã hội mang lại. Trong đó, bạo lực mạng thường xuyên xuất hiện, trở thành một vấn nạn không hồi kết với những hệ lụy vô cùng lớn.

Kết quả khảo sát hàng trăm sinh viên 3 trường: ĐH Giao thông vận tải TP HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, ĐH Công nghệ thông tin TP HCM cho thấy, có tới 69% trường hợp từng là nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng. Bằng nhiều hình thức như: từng bị người khác bình luận miệt thị khi đăng tải thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội; bị người khác gửi các thông tin, hình ảnh, video mang tính chất không lành mạnh; bị người khác phát ngôn, đăng tải, lan truyền thông tin, hình ảnh nhằm bôi nhọ, xúc phạm; bị người khác tiết lộ thông tin bí mật đời tư, gia đình trên mạng…

Rõ ràng, một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Trong khi đó, những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp tự tin và sống lạc quan hơn. Do đó, trước khi bình luận điều gì đó trên mạng xã hội, mọi người hãy suy nghĩ nó sẽ tác động thế nào đến người xung quanh và chính bản thân mình. Thay vì gửi những lời nói mang tính sát thương đến người khác, sao chúng ta không lựa chọn gieo hạt giống lành trên mạng xã hội.

Ai đó đã nói rất đúng rằng: Sự động viên, khích lệ là cho đi mà không sợ mất, nhận về mà không sợ quá tải, dùng mà không sợ lạm phát, trao mà không sợ bị từ chối. Vì vậy, đừng ngại thể hiện tình yêu thương hay một cái ôm trên mạng xã hội bởi điều ấy thật cần thiết với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào.

Đọc thêm