Ông Nguyễn Văn Thân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phủ Lý - cho biết: “Cây cầu nối giữa hai xã Hợp Thành và Yên Đổ bị lũ cuốn trôi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đi lại của nhân dân, nhất là các cháu học sinh đến trường. Cùng với việc giúp các hộ gia đình bị thiệt hại nặng, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, thu hoạch hoa màu…, Sư đoàn 346 đã cử những đồng chí quen việc sửa ván, bắc cầu cho bà con đi lại”.
Tại khu vực làm cây cầu ở thôn Đồng Cháy, xã Phủ Lý, hàng chục cây luồng được bộ đội và nhân dân đốn hạ. Sau hai ngày làm việc khẩn trương, cây cầu dài gần 100m bằng tre, luồng cơ bản hoàn thành. Trời đã về chiều, bà con tập trung rất đông hai bên đầu cầu mong trở về nhà sau một ngày bị cách trở. Khi những nhịp cầu cuối cùng được bắc lên, gia cố chắc chắn, bà con và cán bộ, chiến sĩ vỡ òa trong niềm vui. Những chiếc xe máy băng băng qua cầu. Vui nhất có lẽ là các cháu thiếu niên, nhi đồng theo chân các bà, các mẹ qua cầu.
Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng xóm Đồng Cháy nói với chúng tôi: “Tại vị trí này từ rất lâu đã có cây cầu, là nơi đi lại, giao thương của hơn 600 nhân khẩu hai xóm Đồng Cháy và Đồng Chăn. Đợt lũ vừa qua cầu bị cuốn trôi, bà con bị cô lập với các xã khác. Nếu không có bộ đội giúp, chắc phải cả tuần nữa xóm mới làm xong được cây cầu này”.
Đại tá Phạm Văn Trọng - Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 346 cho biết: “Dịp này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã giúp nhân dân hai xã Phủ Lý, Hợp Thành, huyện Phú Lương hàng nghìn ngày công lao động; san gạt hơn 200m3 đất, đá bị sạt lở, khơi thông đường làng, lối xóm, giúp 20 hộ gia đình chính sách gia cố lại nhà cửa, bờ ao, hồ; bắc lại 4 cây cầu tạm bằng tre, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, những cây cầu mà bộ đội bắc sau lũ không chỉ nối những niềm vui mà còn nối tình quân - dân thêm bền chặt”.