Những chương trình nghệ thuật thiện nguyện đầy xúc cảm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn 12 Nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL đã tổ chức các chương trình nghệ thuật đầy xúc cảm, quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên thuộc Bộ không nhận thù lao với mong muốn sẽ đóng góp được nhiều nhất cho đồng bào. Đặc biệt rất đông khán giả cũng đã biết đến chương trình và đến ủng hộ các Nhà hát.
Các nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát Chèo Việt Nam đều mong muốn được đóng góp tài năng, tấm lòng của mình, ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. (Ảnh: Liên Hương)
Các nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát Chèo Việt Nam đều mong muốn được đóng góp tài năng, tấm lòng của mình, ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. (Ảnh: Liên Hương)

Các nghệ sĩ cùng hòa chung lời ca chia sẻ tới đồng bào vùng lũ

Ngày 15/9/2024, Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt “Trăng trẻ thơ” dành cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu tại sân khấu Thủy Đình của Nhà hát. Trước khi chương trình bắt đầu, các nghệ sĩ và khán giả đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão số 3, cũng như những đồng bào không may mắn trong đợt lũ lụt vừa qua.

Đến với chương trình “Trăng trẻ thơ”, các em thiếu nhi không chỉ được thưởng thức không khí Tết Trung thu trọn vẹn, hòa mình vào các bài hát Trung thu quen thuộc với chị Hằng, chú Cuội, cùng xem múa lân, múa rối nước kết hợp với múa rối cạn, mà còn được trực tiếp tham gia chung tay đóng góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Các tiết mục múa rối tái hiện lại những bài hát quen thuộc như: bài hát Chú ếch con, tái hiện lại sự tích Hồ Gươm và những tiểu phẩm hài như ông bà chăn vịt, hát văn… đã mang đến cho các em thiếu nhi những phút giây ý nghĩa nhân ngày Trung thu.

Tối ngày 16 - 17/9/2024, Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dạ tiệc đêm Rằm”. Đến với chương trình, khán giả còn được thưởng thức một vở kịch với tên gọi “Chiếc đèn kéo quân”, đạo diễn Đào Duy Anh cho biết, vở kịch kể về hành trình bảo vệ mặt trăng của chị Hằng, chú Cuội và những người bạn của mình trước ông trùm bóng đêm để giữ lấy đêm Trung thu cho các bạn nhỏ.

Đạo diễn Đào Duy Anh - đạo diễn chương trình cho biết: “Tại chương trình nghệ thuật này, chúng tôi vẫn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc, múa lân, rước đèn ông sao... Tuy nhiên, có điểm khác biệt là chúng tôi sẽ lồng ghép nhiều hoạt động nhằm truyền tải thông điệp về tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam trong đợt bão lũ đến với các em nhỏ.

Bởi, chúng tôi mong muốn các em nhỏ vẫn sẽ có một mùa Trung thu đáng nhớ trong tuổi thơ của mình, bên cạnh cảm xúc đó, các em sẽ có những nhận thức sâu sắc về sự sẻ chia. Và chương trình này cũng là dịp để những người nghệ sĩ như chúng tôi thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, dùng những lời ca, tiếng hát của mình để kết nối khán giả với người dân ở vùng bị thiệt hại lũ lụt, thiên tai”.

Chương trình kết hợp độc đáo giữa múa rối cạn và múa rối nước.

Chương trình kết hợp độc đáo giữa múa rối cạn và múa rối nước.

Tối ngày 17/9/2024, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tổ chức biểu diễn hòa nhạc “Lalo - Stravinsky” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. NSƯT Trịnh Tùng Linh cho biết: “Cũng giống như buổi hòa nhạc khác, chúng tôi sẽ trình diễn những tác phẩm hòa nhạc cổ điển, kinh điển. Tuy nhiên, trong buổi hòa nhạc này, chúng tôi sẽ lồng ghép một tác phẩm của Việt Nam vào để biểu diễn ở phần mở đầu của chương trình, đó chính là tác phẩm "Trở về đất mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Đây là một bản nhạc đặc biệt bởi âm hưởng đậm chất dân tộc, mang màu sắc trữ tình buồn thương, da diết và đi sâu vào tâm hồn người Việt. Thông qua tác phẩm, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mong muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình các chiến sĩ, các nạn nhân của cơn bão số 3 vừa qua”.

NSND Tự Long, NSND Xuân Bắc và nhiều nghệ sĩ khác chung tay tổ chức chương trình “Trung thu không xa cách” vào tối ngày 17/9/2024. Với những câu hỏi liên quan đến tình đoàn kết, yêu thương đồng bào, NSND Xuân Bắc đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa đến các bạn nhỏ qua trò chơi “đuổi hình bắt chữ”. Chương trình tạp kỹ đặc biệt có các nghệ sĩ từ rối, xiếc, ảo thuật, các nghệ sĩ đạt giải CLB sao tuổi thơ, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam...

Tối ngày 18/9/2024, tại Rạp Kim Mã (Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Tâm sự quê”. Đây là một chương trình đặc biệt, gồm nhiều tiết mục được tuyển chọn từ các tiết mục âm nhạc của Nhà hát đã từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan và được dàn dựng, đầu tư thành một chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam TS. NSND Tuấn Cường cho biết: “Sau khi nhận được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đăng ký ngay với Cục Nghệ thuật Biểu diễn để tổ chức chương trình đặc biệt “Tâm sự quê” vào ngày 18/9/2024. Chúng tôi, mỗi người nghệ sĩ, cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa rất mong muốn được đóng góp bằng tấm lòng, bằng lời ca, tiếng hát của mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với đồng bào vùng lũ lụt.".

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Những tháng năm…” được Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức tối 20/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hà Nội - Những tháng năm… gồm 3 chương: Hà Nội - Ngày ấy, Hà Nội - Những thời khắc hào hùng và Hà Nội hôm nay là hành trình âm nhạc đầy cảm xúc, từ những giai điệu hào hùng của thời kỳ kháng chiến đến khúc hát ngọt ngào ca ngợi vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Các ca khúc vượt thời gian về Thủ đô được biểu diễn tại Chương trình như: Cung đàn xưa, Mơ hoa, Mười chín tháng Tám, Ba Đình nắng, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Tiến về Hà Nội, Hà Nội mùa thu trong em, Hà Nội một trái tim hồng… Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ danh tiếng như: NSND Thanh Lam, NSND Mai Hoa, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Anh Thơ, Viết Danh, An Thu An, Thanh Thảo, Trung Sỹ, Phúc Đại, Nhóm Phương Nam, Nhóm Thời gian…

Đêm nhạc “Hà Nội - Những tháng năm…” đưa khán giả Thủ đô khám phá lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội trong không gian của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng. Những giai điệu sâu lắng qua các ca khúc của chương trình làm say đắm người yêu nhạc, yêu Thủ đô Hà Nội. Chương trình càng trở nên ý nghĩa hơn, khi gây quỹ ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt.

Tiếp thêm sức mạnh tinh thần

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho hay, còn một số chương trình của các Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… với các chương trình trong thời gian tới.

Các chương trình nghệ thuật đã đảm bảo thể hiện đạo lý “tương thân, tương ái”, đoàn kết của dân tộc, kêu gọi Nhân dân cả nước đồng lòng hướng về hỗ trợ đồng bào và các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ.

“Thông qua chương trình, chúng tôi mong các con vẫn có một mùa Trung thu đáng nhớ, bên cạnh cảm xúc đó, các con có nhận thức về sự sẻ chia. Nhiều người luôn có cách đóng góp riêng của mình, cách sẻ chia riêng của mình đối với cộng đồng, người nghệ sĩ đóng góp lời ca tiếng hát, kết nối với hàng trăm nghìn bạn nhỏ có thể xem, giao lưu với các bạn ở vùng bị thiệt hại lũ lụt, thiên tai. Dù khó khăn, vừa trải qua lũ lụt kinh hoàng nhưng chúng ta vẫn cần sức mạnh tinh thần để vượt qua” - NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.

Đêm nhạc Hà Nội - Những tháng năm... như một hành trình khám phá về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội.

Đêm nhạc Hà Nội - Những tháng năm... như một hành trình khám phá về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội.

Số tiền thu được từ bán vé, kêu gọi ủng hộ trong các chương trình đều được công khai, minh bạch và một phần nộp vào Quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các chương trình nghệ thuật quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt của các Nhà hát trực thuộc Bộ đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả, được dư luận đánh giá cao. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều chương trình diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, mong các Nhà hát, các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, chia sẻ, đóng góp cho xã hội, cho đồng bào bằng chính sức lao động, nghề nghiệp của mình.

Đọc thêm