Cứ sau mỗi mùa thi, đâu đó lại có tin học sinh tự tử, trầm cảm phải nhập viện tâm thần… Đáng báo động là con số này năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguyên nhân thì rất dễ nhận thấy, đó là các em phải chịu áp lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu để sẻ chia, an ủi con cháu khiến sự việc đã xấu lại càng xấu thêm.
Chưa nhập học, đã nhập viện
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn kỳ thi trường Đại học, cao đẳng chưa lâu, nhưng trước đó, ngay khi vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp PTTH đã có rất nhiều học sinh tìm đến cái chết hoặc phát bệnh tâm thần. Điển hình như trường hợp của nữ sinh Cao Thị Xuân L. (quận Phú Nhuận, TP. HCM) đã uống một lúc 10 viên thuốc ngủ liều cao để tự tử chỉ vì bị mẹ chì chiết do không làm tốt bài thi. Hay như mới đây, một nữ sinh giỏi cấp tỉnh của Hà Tĩnh đã nhảy cầu Bến Thủy tìm đến cái chết do hai năm liền thi không đỗ đại học.
Trường hợp của một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phan Thiết (Bình Thuận) dù biết kết quả điểm thi của mình không thấp (18 điểm), nhưng em dự tính với số điểm này sẽ không đỗ vào Đại học Bách khoa TP. HCM nên cũng uống thuốc ngủ tự tử. Dù được cứu khỏi tay thần chết, nhưng di chứng để lại thì vô cùng nghiêm trọng...
Một bác sĩ ở Viện sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi kỳ thi Đại học, Cao đẳng, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp rối loạn tâm thần do thi trượt, trong đó có em tự tử hụt. Tâm trạng của các em thường bất an, lúc lo lắng, buồn rầu, không muốn tiếp xúc với bạn bè, lúc lại tưởng tượng ra mình đã thi đỗ đại học với tâm trạng hứng khởi….Đó là những triệu chứng “rối loạn thích nghi”, một dạng bệnh lý tâm thần xuất hiện do những biến cố đột ngột trong tâm lý mà các em không thích ứng kịp.
Trong những trường hợp này, nếu gia đình không kịp thời quan tâm, trấn an, chia sẻ với các em thì dễ dẫn đến nguy cơ các em tìm đến cái chết hoặc phát bệnh nặng hơn.
|
Thi đại học luôn là sức ép đối với thí sinh Ảnh minh họa |
Đâu là nguyên nhân ?
Theo một số chuyên gia tâm lý, trước khi đi đến quyết định tự sát, hầu hết các em đều trải qua một giai đoạn suy nghĩ căng thẳng, tự dằn vặt mình, thấy xấu hổ với bạn bè, có lỗi với thầy cô, cha mẹ. Đặc biệt, do những suy nghĩ này ít bộc lộ ra ngoài nên cha mẹ các em khó đoán biết, đến khi phát hiện ra thì đã muộn.
Đã vậy, không ít bạc cham mẹ khi hay tin con thi trược lại quay ra mắng nhiếc, sỉ nhục con. Họ thường nói với con bằng những lời thiếu thiện cảm: “Chỉ có việc học mà cũng không nên, đúng là đồ ăn hại”, thậm chí, có người còn mắng con, ví con như loài vật. Trước áp lực này, các em lâm vào cảnh quẫn chí, nhiều khi dẫn đến hành động thiếu sáng suốt.
Lê Danh Tuấn (Hà Nội) thi trượt Đại học Giao thông vận tải đã tâm sự với tôi rằng: “Cháu thấy chán đời lắm, nhiều lúc cũng muốn chết quách đi cho xong. Từ khi biết cháu được 14 điểm, bố cháu suốt ngày lầm lì. Mẹ cháu hễ có cơ hội là lại lôi chuyện đó ra chửi cháu, nói xấu cháu trước mặt nhiều người. Có lẽ cháu phải xin đi làm, việc gì cũng được, miễn là có tiền để khỏi phải mang tiếng là ăn bám bố mẹ…”.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Thư, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ: Hầu hết với mỗi gia đình, áp lực của cha mẹ lên tâm lý các em là rất lớn, nhất là đối với các gia đình ở nông thôn. Họ luôn quan niệm: con đậu trường nào không quan trọng, công lập hay dân lập cũng được, nhưng trường đó phải là Đại học. Người ta coi việc có chữ, có học thức thì sẽ thay đổi được danh phận. Bởi lâu nay, họ thường nhìn vào các thang bậc xã hội, họ thấy những người thành đạt thường là người có chữ, có học thức…Chính vì vậy, họ luôn có một khát khao cháy bỏng là con em mình muốn thoát khỏi kiếp “chân lấm tay bùn” thì không có con đường nào khác ngoài con đường đi vào đại học.
Có trường hợp, do nhà trường báo điểm nhầm, gia đình có con thi đại học ngỡ rằng con mình đã đỗ nên giết trâu, giết lợn mời cả làng đến liên hoan. Khi nhà trường báo điểm lại thì họ không thể chấp nhận được thực tế này vì cảm thấy xấu hổ với làng xóm, họ hàng. Thạc sỹ Anh Thư cho biết, trong trường hợp này, để giữ thể diện, gia đình có con thi trượt vẫn sẽ nói dối hàng xóm, họ hàng và để không bị lộ chuyện, họ bí mật cho con lên thành phố ôn thi tiếp. Trường hợp khác, họ cho con ở nhà và giải thích rằng: con họ không thích học trường đại học đó nữa…
Tận mắt chứng kiến và sống trong môi trường này nên với nhiều em, việc không thi đỗ vào đại học đồng nghĩa với việc bị cha mẹ hắt hủi, xóm làng cười chê./.
Vân Anh