Chính quyền số
Thực hiện Kế hoạch CĐS năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở TTTT là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày CĐS quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của dữ liệu số trong việc tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
|
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu phần mềm, giải pháp về CĐS bên lề Hội thảo về CĐS Hà Tĩnh năm 2023. Ảnh: PV |
Theo lãnh đạo Sở TTTT Hà Tĩnh, CĐS cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ được BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX cụ thể hóa với Nghị quyết số 05 ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 05). Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm 2022 xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình CĐS với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực cho CĐS, cụ thể là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số, tập trung xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành, triển khai ứng dụng các nền tảng dùng chung đồng bộ trong toàn tỉnh; công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được chú trọng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin. Qua đó, làn sóng CĐS đã lan tỏa, thu hút sự tham gia của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mở ra điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.
|
9 tháng đầu năm 2023, Sở TTTT Hà Tĩnh đã chủ trì tổ chức tập huấn hơn 60 lớp nâng cao năng lực CĐS trên ba trụ cột kinh tế số- chính quyền số và xã hội số cho gần 10.000 người dân, doanh nghiệpvà các tổ CĐS cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PV |
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh - nơi tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là các thiết bị số hóa để hỗ trợ người dân.
Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh có 500 Trung tâm hành chính công ở 3 cấp được triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trong 9 tháng năm 2023, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận ở 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (được cập nhật lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, chưa có số liệu thực hiện trên Cổng chuyên ngành) là 394294 hồ sơ (trong đó cấp tỉnh tiếp nhận 150827 hồ sơ; UBND cấp huyện tiếp nhận 45841 hồ sơ; UBND cấp xã tiếp nhận 197626 hồ sơ).
Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử 262978/365484 hồ sơ đạt tỷ lệ 71,95% (trong đó: cấp tỉnh 88424/137071 hồ sơ, đạt tỷ lệ 64,51%; cấp huyện 34939/40697 hồ sơ, đạt 85,85%; cấp xã 139615/187716 hồ sơ, đạt 74,38%). Kết quả số hoá hồ sơ thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền là 220358 hồ sơ, trong đó, cấp tỉnh đã thực hiện được 50785 hồ sơ, cấp huyện đã thực hiện được 26862 hồ sơ, cấp xã đã thực hiện được 142711 hồ sơ.
Xã hội số
Những năm qua CĐS ứng dụng công nghệ trong đời sống xã hội đang dần trở thành xu hướng tất yếu và được người dân Hà Tĩnh hưởng ứng tích cực. Cụ thể như trong lĩnh vực y tế, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành y tế Hà Tĩnh đã tổ chức xây dựng mô hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip, ứng dụng VNeID và mô hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
|
Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà triển khai thí điểm Kiosk đăng ký khám bệnh tự động, nhằm góp phần thực hiện Đề án 06 về CĐS, đồng thời giúp quy trình đăng ký khám bệnh đơn giản, thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Ảnh: Nhật Thắng |
Ông Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây, khi đến bệnh viện khám bệnh, tôi phải mang nhiều loại giấy tờ như: CMND, CCCD, BHYT… thì nay, chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID đạt mức 2 là có thể thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Còn thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian chờ đợi, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh cho người nhà và người bệnh”.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip. Đến nay, toàn tỉnh đã có 859.760 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD khi đến cơ sở khám chữa bệnh BHYT với tỷ lệ xác thực tra cứu thành công 77%.
|
Livestream “Chợ phiên OCOP” quảng bá và bán các phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: CTV |
Các sản phẩm nông nghiệp vốn vấp phải rào cản lên môi trường số thì nay đã có sự thay đổi rõ nét. Mới đây nhất vào tháng 9/2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình "Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn". Ngay sau đó, buổi livestream “Chợ phiên OCOP” quảng bá và bán các phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh trên nền tảng mạng xã hội kéo dài từ 9h sáng đến 13h ngày 16/9 đã thu hút hơn 14,8 triệu lượt người tiếp cận, 300.000 lượt xem trực tiếp, tổng giá trị đơn hàng bán ra đạt 485 triệu đồng.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, đến nay Hà Tĩnh có hơn 3.800 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh Hà Tĩnh trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội năm 2022 đạt gần 250 tỷ đồng (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021); 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 130 tỷ đồng. Không chỉ vậy, hiện nay ở hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế, chợ, trung tâm thương mại hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ thành thị đến nông thôn đều đã ứng dụng chuyển khoản, thanh toán thẻ, đặc biệt là thanh toán qua quét mã QR.