Những con số 'biết nói dối' trên Youtube

(PLO) - Lượt xem Youtube mang đến những giá trị thương mại, nó cũng giúp nâng tầm nghệ sĩ. Tuy nhiên, khó có chuyện một sản phẩm được khán giả và giới chuyên môn công nhận chỉ nhờ lượng fan hâm mộ hùng hậu và những con số khủng.
Những con số 'biết nói dối' trên Youtube

MV triệu view “càn quét” thị trường nhạc Việt

Vài năm gần đây, làng nhạc Việt chứng kiến sự thay đổi rõ rệt khi các ca sĩ trẻ mạnh tay đầu tư ra mắt MV trên Youtube và các trang mạng xã hội, thay vì phát hành album, đĩa CD. Những từ khóa như: “triệu view”, “cán mốc chục triệu đến trăm triệu view chỉ sau vài giờ phát hành”, “phá kỷ lục” là những từ khóa nóng nhất khi nói về thị trường nhạc Việt, dường như đã “ngầm” trở thành một tiêu chí để đánh giá một sản phẩm âm nhạc hay một người nghệ sĩ. 

Hiện nay, chẳng khó để tìm thấy một MV triệu view, cho dù ca sĩ có thực lực hay không. Đứng đầu “cuộc đua câu view” kể đến những tên tuổi trẻ như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Bích Phương, Erik, Chi Pu… Cơn bão “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng M-TP đang càn quét các bảng xếp hạng, bởi “cán mốc 22 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ”, và “phá kỷ lục” MV “DNA” của BTS. Ca khúc “Bùa yêu” cũng đạt tới ngưỡng 55 triệu view sau 1 tháng phát hành. Chi Pu, Erik, Hòa Minzy và nhiều tên tuổi trẻ khác cũng ghi điểm với những MV hàng triệu đến chục triệu view trên Youtube. 

Bên cạnh những “hào quang” trên Youtube, câu chuyện để những sản phẩm âm nhạc đạt tới những con số ngất ngưởng như vậy vẫn còn nhiều điều khó hiểu. So với những nghệ sĩ trẻ, những tầng lớp ca sĩ lớn tuổi và có thực lực hơn lại có vẻ “trì trệ” trong cuộc chơi này. Chúng ta ít thấy những tên tuổi kỳ cựu trong làng âm nhạc Việt Nam sở hữu những sản phẩm “gây bão” cộng đồng mạng như vậy. Gần đây, người xem MV “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng, cảm thấy bối rối, đặt câu hỏi tại sao lượng view thực tế Youtube thông báo sau 24h cho MV này là 19 triệu, nhưng không hiểu sao lại được “đẩy” lên thành 22 triệu. Liệu những con số “khủng” kia có đáng tin hay không? 

Có thể trả lời cho những nghi vấn trên bởi một hiện tượng “mua view, cày view” rất phổ biến hiện giờ trong showbiz nói chung, không riêng gì làng nhạc trẻ Việt. Khi một ca khúc sắp được ra mắt, để đạt số người xem triệu view trên Youtube, những sao Việt đều có các mẹo tăng view cho video của mình, thậm chí, các fan của họ cũng phối hợp với những chiến dịch “cày view” và hướng dẫn nhau “cày view” hết sức bài bản. Bên cạnh đó, có những công ty đứng ra bao thầu phát triển kênh Youtube của nghệ sĩ. Hình ảnh hàng chục máy tính, điện thoại, ipad cùng lúc mở MV của Sơn Tùng để “cày view” ngày đêm được chia sẻ trên mạng xã hội chính là một minh chứng rõ ràng nhất. 

Những con số “biết nói dối”

Hiện tượng “mua view, cày view” trên Youtube không còn xa lạ trong ngành giải trí thế giới. Theo một điều tra của tờ New York Times, Mỹ, về Công ty 

Devumi chuyên cung cấp lượng lớn lượt “thích” trên Facebook,  “người theo dõi” trên Twitter, “lượt xem” trên YouTube, “lượt phát” trên SoundCloud, và “ người ủng hộ” trên LinkedIn. Công ty này đã có hơn 200.000 khách hàng, bao gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng, như các ngôi sao truyền hình thực tế, vận động viên chuyên nghiệp, diễn viên hài, diễn giả, diễn viên và người mẫu. Một ngày, công ty này có thể nhận từ 300 – 400 “đơn hàng”. Ở Trung Quốc, cũng có những “nông trại” với hàng ngàn chiếc điện thoại di động cùng hoạt động để phục vụ một mục tiêu “cày view” cho khách hàng.  

Trên Quora, một diễn đàn thảo luận lớn của Mỹ, với trung bình 100 triệu người dùng hàng tháng, nhiều người dùng cho rằng “khi một video clip mới ra, lượng view là 0 thì sẽ không ai muốn xem clip đó. Việc sử dụng lượng view ảo như 5.000 – 10.000 lượt nhằm tạo động lực cho người xem”. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản đối, cho rằng hiện tượng “mua view ảo” là “gian dối, bất hợp pháp”, có thể bị xóa tài khoản hoặc bị phạt. Một số ý kiến hài hước cho rằng, “hành động này vẫn chưa bất hợp pháp, nếu chưa bị phát hiện.  Theo Điều khoản dịch vụ (TOS) của Youtube, việc “mua view, cày view” không vi phạm điều khoản của họ. Tuy nhiên, tùy theo cách làm là “chân chính” hay “không chân chính” để đánh giá mức độ vi phạm và chế tài xử lý. 

Những trường hợp quốc tế đã từng “lộ” việc sử dụng view ảo trên Youtube gọi tên từ những ngôi sao đình đám như Psy, Justin Bieber, Yolanda Foster, Paris Hilton... đến những công ty âm nhạc lớn như Sony/BMG (từ 850 triệu lượt views xuống 2.3 triệu), RCA (từ 159 triệu xuống 120 triệu), Universal Music (mất 1 tỷ lượt views). Gần đây nhất là MV “Fake love” đang “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới của nhóm nhạc Kpop BTS đã bị mất gần 10 triệu lượt view trên Youtube, làm người xem không khỏi hoang mang. Theo tờ Metro của Anh, ngày 21/5, số view thực của MV này không phải 40,9 triệu như báo chí đã đăng tải, mà chỉ là 35,9 triệu view. Điều này đã được một đại diện của Youtube hé lộ và xác nhận thông qua Metro. Có vẻ như tất cả những hiện tượng  “kỳ lạ” trên là “động thái” từ phía Youtube để loại trừ những lượt view ảo. 

Khi sự thành công của một sản phẩm âm nhạc chủ yếu được đo đếm bằng số view trên Youtube cũng là lúc chất lượng trở nên đáng báo động. Lượt view, like càng nhiều, sức nóng của sản phẩm càng được khẳng định, độ nổi tiếng cũng như doanh thu của ca sĩ càng cao. Song, thực tế cho thấy, không ít ca khúc có giai điệu quá dễ dãi vẫn trở thành “hit” chỉ nhờ cán mốc triệu view. Nhiều ca sĩ chỉ được đánh giá ở mức trung bình, cũng có thể trở thành giọng ca đình đám và kiếm bộn tiền nhờ MV “hàng triệu view”. 

Những câu chuyện trên đặt ra một câu hỏi rất lớn đối với việc nghệ sĩ trẻ ngày nay theo đuổi nghệ thuật một cách trào lưu và cách những người hâm mộ cũng “chạy theo xu thế” để ủng hộ thần tượng. Liệu những con số “khủng” trên mạng xã hội có đủ “đáng tin cậy” để đánh giá một nền âm nhạc như ngày nay truyền thông, báo chí tung hô hay không?.